Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trong đó nêu rõ, năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, có hai mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp được đưa ra để lựa chọn. Phướng án thứ nhất là thành lập một cơ quan mới thuộc Chính phủ nhưng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (quản lý và thoái vốn tại các công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ).
Phương án hai là SCIC sẽ được nâng cao địa vị pháp lý, tăng cường nhân lực, trở thành doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ; quản lý danh mục các công ty cổ phần hiện đang do SCIC quản lý và các công ty cổ phần mà các bộ, ngành, địa phương sẽ chuyển giao trong thời gian tới.
Trước khi SCIC được thành lập vào tháng 6/2005, đã có rất nhiều mô hình được đem ra mổ xẻ, tham khảo như Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) của Trung Quốc, Tập đoàn Temasek của Singapore, Khazanah của Malaysia…
Mô hình SCIC được thành lập trên cơ sở tham khảo mô hình Temasek của Singapore, mô hình được coi là khá thành công và theo xu hướng quản lý vốn hiện đại trên thế giới.
Nhiều kỳ vọng về tổ chức này được đặt ra, song theo một số ý kiến chuyên gia, sau hơn 10 năm hoạt động, dù đã đạt được một số kết quả, khoảng cách giữa “Temasek Việt Nam” và Temasek Singapore vẫn còn xa vời.
Temasek Singapore: Giá trị đầu tư kỷ lục
Temasek Holdings là tập đoàn quản lý tài sản vốn nhà nước Singapore trực thuộc Bộ Tài chính Singapore. Tổng giám đốc điều hành là bà Ho Ching, vợ của đương kim Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lý Hiển Long.
Đệ nhất phu nhân Singapore gia nhập Temasek vào năm 2002 với vị trí một giám đốc, sau đó bà được tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí CEO của quỹ vào tháng 1/2004.
Cựu lãnh đạo của Temasek Holdings - ông Simon Claude Israel từng dẫn lời “cha đẻ” của công cuộc phát triển của Singapore là Tiến sĩ Goh Keng Swee rằng: “Một trong những ảo tưởng tai họa mà nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đang nuôi dưỡng là quan niệm cho rằng các nhà chính trị và các quan chức có thể đảm nhận thành công các vai trò kinh doanh. Cho dù có phải đứng trước thực tế ngược lại hoàn toàn thì càng lạ lùng là người ta vẫn cứ tin vào ảo tưởng đó”.
Trong thực tế, hiếm có thành viên nào của Temasek xuất thân là quan chức chuyên nghiệp. Ê-kíp lãnh đạo Temasek càng không có đầu óc “công chức” hoặc “cửa quyền thư lại” quen “mệnh lệnh cách”, mà luôn mang đầu óc entrepreneurship (tạm dịch: đầu óc doanh nghiệp trong mọi ý nghĩa của nó).
Temasek hoạt động theo mô hình một quỹ đầu tư chuyên nghiệp - đầu tư vốn vào các doanh nghiệp có triển vọng và sử dụng các nguồn lực của mình để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các khoản đầu tư mà quỹ hướng đến nhằm mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế; tăng dân số thu nhập trung bình; khái thác sâu hơn các lợi thế so sánh,...
Về vai trò của Temasek đối với các công ty nhà nước mà Temasek nắm giữ cổ phần (một công ty được coi là thuộc sở hữu nhà nước nếu tỷ lệ mà Temasek nắm giữ là trên 20%), Temasek không tham gia vào các hoạt động đầu tư của các công ty này mà chỉ thực hiện vai trò hỗ trợ đào tạo, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị và đội ngũ nhân viên với chuyên môn cao, hỗ trợ về mặt quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân lực.
Điều này cũng loại bỏ được xung đột lợi ích trong các quyết định đầu tư hoặc thoái vốn tại công ty mà Temasek nắm giữ cổ phần.
Được thành lập năm 1974, Temasek đầu tư vào nhiều các lĩnh vực khác nhau, như dịch vụ tài chính, viễn thông, truyền thông và công nghệ, vận tải và công nghiệp, khoa học đời sống, ngành tiêu dùng, bất động sản, năng lượng và tài nguyên. Qũy hiện có 10 văn phòng đại diện trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ban đầu Temasek chỉ tập trung đầu tư nắm giữ cổ phần trong các công ty nhà nước Singapore có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế. Kể từ năm 2002, Temasek đã mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, giúp đa dạng hóa đầu tư, tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro.
Năm 2016 tỷ trọng danh mục đầu tư của Temasek theo khu vực địa lý là Singapore 29%; châu Á 40%; Bắc Mỹ, châu Âu, Úc và New Zealand 27%; và các khu vực khác là 4%.
Tại Singapore, Temasek nắm giữ phần lớn cổ phần của hãng hàng không Singapore Airlines, Công ty cảng quốc tế PSA, Công ty kỹ thuật công nghệ Singapore (STEngineering), Tập đoàn DBS... và là cổ đông lớn của nhiều công ty khác của đảo quốc sư tử.
Nhiều cái tên danh tiếng khác cũng nằm trong danh mục đầu tư của Temasek như Tập đoàn Alibaba, Ngân hàng Bank of China, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Standard Chartered, Tập đoàn Bảo hiểm China Pacific...
Còn tại Việt Nam, danh mục đầu tư của Temasek từ 2005 phần lớn tập trung vào các lĩnh vực tài nguyên, nông lâm nghiệp, hạ tầng, công nghệ thông tin, ngân hàng... Temasek cũng đã rót vốn vào tại không ít doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam như Minh Phú, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk,...
Thời kỳ ban đầu khi được thành lập, danh mục đầu tư của Temasek Holdings chỉ có trị giá 354 triệu USD Singapore. Con số này đã tăng lên 242 tỷ đô la Singapore (SGD) tại thời điểm 31/3/2016.
Theo báo cáo năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2017, giá trị danh mục đầu tư ròng của Temasek đạt kỷ lục 275 tỷ SGD (khoảng 198 tỷ USD). Thu nhập cổ tức từ các danh mục đầu tư đạt 7 tỷ SGD, con số này gấp khoảng 19 lần chi phí lãi vay trong năm.
Trong 10 năm qua, Temasek đã đầu tư 206 tỷ SGD và thoái 151 tỷ SGD, đưa giá trị danh mục tăng 111 tỷ SGD trong thập kỷ qua, bất chấp tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009.
Trong năm nay, Temasek cho biết sẽ đầu tư vào những nhóm ngành chính như viễn thông, truyền thông và công nghệ, giao thông vận tải và công nghiệp, khoa học đời sống và kinh doanh nông nghiệp.
SCIC: Chưa rõ hiệu quả đầu tư
Hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn do nhiều đầu mối đảm nhận, bao gồm Chính phủ, các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Tình trạng các bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện đồng thời cả ba chức năng: quản lý nhà nước về kinh tế, chủ quản cấp trên đối với doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn phổ biến.
Theo kết luận năm 2016 về việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với SCIC, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ những yếu kém trong quản lý của SCIC đặc biệt là việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhiều cán bộ SCIC (đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo) còn tham gia đại diện vốn nhà nước tại 4-5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị, điều hành 5-6 doanh nghiệp nhưng đồng thời còn thực hiện các hoạt động quản lý tại SCIC.
Sự góp mặt của SCIC tại các doanh nghiệp lớn có thể kể đến như việc SCIC cử ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc làm đại diện phần vốn của nhà nước đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều doanh nghiệp hàng chục năm nay.
Cụ thể, ông Lê Song Lai đang nắm quyền chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), thành viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT, thành viên HĐQT Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền… Đến tháng 4/2017, Vinamilk thông báo, ông Lê Song Lai đã bán toàn bộ cổ phiếu sở hữu tại doanh nghiệp này. Ông Lê Song Lai không còn nằm trong ban HĐQT của Vinamilk nhiệm kỳ 2017-2021.
Ngoài ông Lê Song Lai, các sếp của SCIC như thành viên HĐTV kiêm Phó Tổng giám đốc Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Huy hay trước đây là Tổng giám đốc Lại Văn Đạo… cũng đều được giao cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đầu ngành có vốn đầu tư của SCIC (như Dược Hậu Giang, Vinaconex, Tisco...)
Tính đến hết tháng 7 năm nay, SCIC đang sở hữu vốn tại 141 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 19.558 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 94.927 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của SCIC, tổng tài sản trong năm 2016 của tổng công ty này đạt 66.000 tỷ đồng, giảm hơn 7.300 tỷ đồng so với đầu năm.
Phần lớn tài sản tại SCIC hiện nay được mang đi đầu tư tài chính với tỷ lệ lên tới gần 96% tổng tài sản. Số này gồm 35.826 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tương đương 54% tổng tài sản và 27.334 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, tương đương gần 42%.
Đáng chú ý, khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ của SCIC và Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển Doanh nghiệp đến cuối năm 2016 lên tới 40.471 tỷ đồng, tương đương 61% tổng tài sản công ty.
Năm 2012, SCIC mới đem gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng, sau 5 năm, con số đó đã tăng lên gần gấp đôi.
SCIC trong thời gian qua được nhắc đến nhiều với cái tên gọi là “siêu tổng công ty” và cũng có ý kiến cho rằng SCIC đang nắm giữ một lượng vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư lại không cao.
Được thành lập năm 2006 với một mục đích rất lớn là đẩy mạnh sự hiệu quả của vốn đầu tư nhà nước, nhưng đến nay siêu tổng công ty này vẫn đang loay hoay với nhiều phi vụ thoái vốn, ngồi tận hưởng cổ tức “đẻ trứng vàng”, gửi tiền ngân hàng hưởng lãi, đầu tư vào một số các dự án khủng nhưng không hiệu quả như khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (theo báo cáo trình Quốc hội của Kiểm toán nhà nước).
Công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings thông báo giá trị đầu tư ròng của họ đạt 308 tỷ đô la Singapore trong năm tài chính vừa qua. Con số này đã tăng 33 tỷ so với giá trị năm ngoái là 275 tỷ. Tổng lợi tức của cổ đông (TSR) lên đến hơn 12%. TSR 10 năm là 5% kể từ năm 2008 đến nay. TSR 20 năm là 7%, từ năm 1998 đến nay. TSR kể từ lúc thành lập Temasek năm 1974 đến nay là 15% hàng năm.
Các hạng mục kinh doanh của tổ chức này đã đem lại cổ tức lên tới 9 tỷ đô la Singapore. Nợ chưa thanh toán có giá trị là 12,8 tỷ, chủ yếu dưới dạng trái phiếu, và khối lượng tài sản của tổ chức này gấp 4 lần khoản nợ nói trên, bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cùng với các khoản đầu tư ngắn hạn.
Năm 2017, Temasek đã đầu tư 29 tỷ đô và thoái vốn 16 tỷ đô Singapore. Phần lớn các khoản đầu tư là trong lĩnh vực công nghệ, khoa học đời sống, kinh doanh nông nghiệp, dịch vụ tài chính phi ngân hàng và tiêu dùng. Các lĩnh vực này hiện chiếm ¼ danh mục đầu tư của họ.
Mỹ là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản đầu tư của Temasek, họ đầu tư vào các công ty Mỹ như Global Healthcare Exchange và DowDuPont – một công ty hóa học và nông nghiệp toàn cầu. Temasek cũng tăng cổ phần của họ ở Visa và Mastercard.
Tại châu Âu, Temasek tăng cổ phần tại Adyen, một công ty dịch vụ thanh toán công nghệ cao và AMS, một doanh nghiệp thiết kế các hệ thống cảm biến hiệu suất cao. Ở Trung Quốc, họ đầu tư vào Tencent và Wuxi NextCODE, một công ty dữ liệu về gen.
Tháng 3 năm 2018, các khoản đầu tư lớn bao gồm Bayer và Ant Financial. Năm ngoái, Temasek đã bán cổ phần của mình tại Dufry và GTT.
Temasek tích cực bồi dưỡng con người và đầu tư cho giáo dục. Điều này cho phép nhân viên của họ phát triển cả trên phương diện cá nhân và tập thể. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị cho một thế giới với những tiến bộ về công nghệ và giải pháp mới.
Ngoài ra, họ còn tổ chức các hội nghị bàn tròn và diễn đàn thường xuyên để chia sẻ thông tin chi tiết và xu hướng, tập hợp các giám đốc và lãnh đạo cấp cao của các công ty lớn tại Singapore để chia sẻ quan điểm về quản trị và đạo đức kinh doanh. Diễn đàn này giúp các công ty luôn tuân thủ các quy định có ảnh hưởng đến phương thức kinh doanh tại các thị trường trên toàn thế giới.
Vào tháng 6 năm 2018, Công ty quản lý tài sản Azalea Asset Management của Temasek đã phát hành trái phiếu Astrea IV, tổng cộng 500 triệu đô la Mỹ. Các trái phiếu này được hỗ trợ bởi dòng tiền từ các danh mục đầu tư của các quỹ cổ phần tư nhân. Lần đầu tiên tại Singapore, một đợt bán lẻ trị giá 121 triệu đô la Singapore được cung cấp. Hơn 25.000 ứng viên đã tham gia chương trình ưu đãi, số lượng người đăng ký đã tăng gấp 7 lần.
Mục tiêu của Temasek không dừng lại ở việc trở thành một doanh nghiệp đầu tư thành công mà còn là việc chuyển hóa những lợi ích có được từ quá trình đầu tư đó thành một thế giới tốt đẹp hơn.
Temasek Holding và Ủy ban quản lý vốn nhà nước có điểm chung gì?
Cơ quan chủ quản: Temasek Holdings là một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore và thuộc Bộ Tài chính. Trong khi đó Siêu Ủy ban là một cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Loại hình: Temasek Holdings là một công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong khi đó Ủy ban quản lý vốn nhà nước không phải là một doanh nghiệp.
Cách thức hoạt động: Temasek hoạt động theo mô hình một quỹ đầu tư chuyên nghiệp - đầu tư vốn vào các doanh nghiệp có triển vọng và sử dụng các nguồn lực của mình để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các khoản đầu tư mà quỹ hướng đến nhằm mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế; tăng dân số thu nhập trung bình; khái thác sâu hơn các lợi thế so sánh,...
Đối với Ủy Ban quản lý vốn nhà nước, Chính phủ quy định Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.