Tập đoàn tài chính Hàn Quốc Shinhan đã đạt thỏa thuận mua lại toàn bộ Công ty tài chính Prudential Việt Nam, thông báo của Prudential, tập đoàn tài chính có trụ sở tại Anh, cho biết hôm 23.01.
Thông qua công ty con Shinhan Card, Shinhan dự kiến sẽ chi 151 triệu đô la Mỹ, khoảng 3.400 tỉ đồng, để mua lại mảng tài chính tiêu dùng của Prudential, sau khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Tài chính tiêu dùng không phải là lĩnh vực cốt lõi của Prudential tại Việt Nam. "Việt Nam vẫn là một thị trường quan trọng và có sức hút với Prudential, nơi chúng tôi có hoạt động bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản tăng trưởng nhanh với chất lượng cao", tổng giám đốc Prudential châu Á, ông Nic Nicandrou cho biết trong một thông báo qua website của tập đoàn.
Thương vụ này đánh dấu sự rút lui của Prudential khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam sau hơn 10 năm hoạt động nhằm tập trung vào hoạt động cốt lõi, nhưng với Shinhan là sự thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.
Số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 65%, vượt qua tăng trưởng 50,2% của năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%).
Tổng quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng năm 2016 đạt mức 960 nghìn tỉ đồng, trong đó nhóm công ty tài chính tiêu dùng, dù quy mô mới chỉ đạt 74 nghìn tỉ đồng, nhưng là nhóm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm trở lại đây, theo số liệu của Stoxplus.
Thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào dân số trẻ và thu nhập đang gia tăng, cùng với đó là xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống và khả năng tiếp cận với các khoản vay ngày càng dễ dàng hơn.
Trước chuyển nhượng, Prudential sở hữu công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn thứ tư tại Việt Nam xét về dư nợ cho vay, sau FE Credit, Home Credit và HD Saison. Trong khi Shinhan hiện chưa sở hữu bất kỳ công ty tài chính nào tại Việt Nam. Hồi tháng 12.2017 đã hoàn tất việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam ngày càng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, sau khi mua lại mảng bán lẻ từ ANZ Việt Nam và sắp tới là công ty tài chính Prudential. Ảnh: Forbes Việt Nam.
Shinhan đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1993. Shinhan được chấp thuận thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ cuối năm 2008 và hiện có 18 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Tính tới cuối năm 2016, Shinhan Việt Nam có tổng tài sản gần 55.000 tỉ đồng và đạt gần 1.300 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, theo báo cáo tài chính của ngân hàng này.
Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam và đang quan tâm tới thị trường này, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, ngân hàng đang sở hữu 51% vốn tại công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, nói với Forbes Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước hôm 19.1.2018 đã chấp thuận nguyên tắc chuyển nhượng công ty tài chính TechcomFinance của ngân hàng Techcombank cho tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Thương vụ M&A được giới truyền thông Hàn Quốc cho biết trị giá 1.700 tỉ đồng. Trong khi Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9.2017 cũng đã mua lại 49% vốn công ty tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB).
Thông báo của Prudential cho hay, tập đoàn này và Shinhan cũng sẽ trở thành đối tác dài hạn tại Việt Nam trong lĩnh vực Bancassurance (ngân hàng tham gia phân phối sản phẩm bảo hiểm).
Công ty tài chính Prudential ra mắt vào năm 2006, là một trong những tổ chức phi ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp phép cho vay tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Bán đi mảng tài chính tiêu dùng, Prudential vẫn sẽ tiếp tục hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thông qua công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, và lĩnh vực quản lý tài sản, thông qua công ty quản lý quỹ Eastspring Investments, thông báo cho hay.