Để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ là một trong những vấn đề thiết yếu. Việc nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, tận dụng những bài học thành công để Việt Nam sớm tham gia thành công vào cuộc cách mạng này là một vấn đề hết sức cấp thiết.
1. Tăng cường hạ tầng kết nối Internet
Trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện hạ tầng kỹ thuật số. Biện pháp đầu tiên là thiết lập và tăng cường cơ chế dịch vụ viễn thông toàn dân, bao gồm thực hiện thí điểm dịch vụ viễn thông toàn dân, hỗ trợ nâng cấp mạng cáp quang và xây dựng hệ thống mạng cho các làng. Thứ hai, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các điểm truy cập vào mạng trục chính và hoàn thành việc tái cấu trúc hệ thống mạng. Thứ ba, Trung Quốc nỗ lực mở rộng băng thông liên mạng bằng cách lập và triển khai kế hoạch mở rộng băng thông hàng năm. Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng hệ thống cáp quang biển quốc tế.
Hình 1. Hạ tầng kết nối Internet kết nối tới tương lai
Thái Lan đã đưa ra nhiều sáng kiến để hỗ trợ hạ tầng mạng để triển khai chính sách “Thái Lan 4.0”. Trong khuôn khổ dự án Băng thông rộng quốc gia, chính phủ Thái Lan muốn từng ngôi làng có thể truy cập băng thông rộng giá rẻ vào cuối năm 2018. Tháng 12/2015, Chính phủ Thái Lan công bố ngân sách 571 triệu USD để xây dựng hạ tầng băng rộng quốc gia để cung cấp internet giá rẻ đến 70,000 ngôi làng (93% tổng số làng). Ngoài ra, qua dự án Cổng Châu Á - Thái Bình Dương (APG), Bộ Kinh tế và Xã hội Số Thái Lan đã lên kế hoạch xây dựng một cổng internet khu vực bằng cách bổ sung thêm các đường cáp quang biển, đáp ứng nhu cầu sử dụng đang tăng nhanh và đồng thời lên kế hoạch để trở thành một trung tâm kết nối internet của ASEAN vào 2020[1]. Thái Lan cũng có kế hoạch triển khai dịch vụ 5G vào năm 2020, dự báo truy cập băng thông rộng di động sẽ tăng 133% trong những năm tới.
Hình 2. Hạ tầng số kết nối tất cả các thành phần của chính phủ số và nền kinh tế số
Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị xây hệ thống mạng 5G và đầu tư vào mạng cáp quang để phát triển hạ tầng số. Trong “Kế hoạch Băng thông rộng Indonesia” (20142019), Chính phủ Indonesia sử dụng các Quỹ Nghĩa vụ dịch vụ toàn dân (Universal Service Obligation-USO) nhằm đẩy nhanh các chương trình hạ tầng số. Đây là một chương trình hợp tác công tư được Chính phủ Indonesia bảo lãnh do những công ty tư nhân nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông thực hiện. Mục tiêu là cung cấp đường trục cáp quang khắp đất nước cho 514 quận/huyện và đường dẫn đến các làng không có kết nối.
Chính phủ Ấn Độ đang hết sức nỗ lực để mở rộng phạm vi mạng di động và kết nối mạng đến tất cả các đảo và làng mạc xa xôi chưa được kết nối. Để có thêm các vùng nông thôn truy cập được internet, Ấn Độ đã khởi xướng chương trình “BharatNet”. Chương trình này đưa mạng kết nối tốc độ Gigabyte đến khắp cả nước, đồng thời phát triển giải pháp kết nối hiệu quả cho các vùng xa xôi. Tại thời điểm này, hơn 230.000 km cáp quang đã được lắp đặt với tốc độ Gigabyte đến hơn 50.000 làng. Tương tự, “Hệ thống Băng thông rộng cho Nông thôn” cũng đang được Chính phủ Ấn Độ xây dựng, theo đó 25.000 điểm truy cập Wi-Fi công cộng dự kiến được lắp đặt tại các trạm điện thoại nông thôn.
Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các quốc gia có sự phát triển tốt trong xây dựng hạ tầng cho kinh tế số tại khu vực ASEAN. Sau 20 năm phát triển, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng hiện đại với hàng triệu km cáp quang, ADSL kết nối phủ 100% số xã, phường trên địa bàn cả nước với tốc độ kết nối Internet trung bình đạt 9,5 Mbps, xếp hạng 58 trên thế giới; Việt Nam hiện có hơn 400.000 tên miền “.vn” - đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia. Theo số liệu thống kê từ tổ chức Internet World Stats thì Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Chúng ta là một trong 5 nước trên thế giới có đủ năng lực để sản xuất các thiết bị viễn thông là hạ tầng thiết yếu của kinh tế số. Trên thế giới cứ 10 máy điện thoại thông minh thì có 01 chiếc có xuất xứ từ Việt Nam. Gia công phần mềm đứng thứ 6 thế giới theo khảo sát của AT Kearney 2017; Dân số trẻ, có trình độ học vấn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao với trên 68% ở nông thôn và trên 84% ở các thành phố; Nguồn nhân lực CNTT dồi dào với gần 1 triệu nhân lực; Việt Nam là một trong một số ít nước trên thế giới đang tích cực triển khai thương mai mạng 5G – mạng di động cho kỷ nguyên IoT.
2. Xây dựng bộ máy quản lý dữ liệu và kho dữ liệu
Năm 2018, Chính phủ Thái Lan đã thành lập một ủy ban về dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nhằm chỉ đạo 20 bộ thực hiện công cuộc chuyển đổi số do nhà nước dẫn dắt. Ủy ban ban gồm các thứ trưởng thường trực (quan chức quản lý chuyên nghiệp) của 20 bộ, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia và Cơ quan chính phủ điện tử. Hành động này nhằm hỗ trợ Chính phủ Thái Lan xử lý khối lượng lớn dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo ra, cho phép chính phủ ra quyết định tối ưu và bảo đảm đất nước thực hiện công cuộc chuyển đổi số thành công theo lộ trình Thái Lan 4.0. Vì mục đích đó, tất cả các bộ dữ liệu từ các cơ quan nhà nước sẽ được Chính phủ Thái Lan gom vào hệ thống quản lý dữ liệu tập trung. Ủy ban sẽ giao cho 20 Bộ thực hiện ba công việc: kiểm tra danh mục bộ dữ liệu của các bộ, xác minh bộ dữ liệu và xác định trọng tâm sử dụng vì lợi ích công cộng. Tất cả dữ liệu quốc gia đều được chia theo ba loại: dữ liệu nhạy cảm hoặc dữ liệu an ninh quốc gia (8%), dữ liệu quan trọng (60%) và dữ liệu chung (32%). Các cơ quan nhà nước sẽ quản lý dữ liệu nhạy cảm và quan trọng, còn dữ liệu chung sẽ được khu vực tư nhân quản lý thông qua mô hình thuê dịch vụ.
Năm 2017, Tổng công ty Kinh tế Số Malaysia (Malaysia Digital Economy Corporation - MDEC), cơ quan hàng đầu trong việc thúc đầy nền kinh tế số của Malaysia, đã thành lập bộ phận Trao đổi Phân tích Dữ liệu ASEAN (ASEAN Data Analytics eXchange - ADAX) với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, học viện, chính phủ và chuyên gia nhanh chóng sử dụng Phân tích dữ liệu làm công cụ hỗ trợ việc ra quyết định và đổi mới sáng tạo. Hợp tác liên ngành giữa khu vực tư nhân và nhà nước là cần thiết để tạo lập một hệ sinh thái Phân tích dữ liệu lớn (BDA), sử dụng BDA như một chất xúc tác tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Tại Việt Nam, khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 cũng đã phân định và kết nối giữa các bộ, ngành và địa phương để liên thông dữ liệu tới cổng dịch vụ công quốc gia đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Hình 3. Mô hình kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương
3. Phát triển hạ tầng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước
Tại Ấn Độ, để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ điện tử (e-service), chính phủ đã đưa ra sáng kiến đám mây MeghRaj. MeghRaj là một tập hợp các hệ thống điện toán đám mây rời rạc (Đám mây Quốc gia và Tiểu bang) được xây dựng trên hạ tầng mới hoặc hiện có, dựa trên một bộ tiêu chuẩn chung do nhà nước ban hành. Ấn Độ cũng thành lập “Cơ quan định danh duy nhất của Ấn Độ” (UIDAI) nhằm phát hành các số Định danh duy nhất, được gọi là “AADHAAR.” Đây là số định danh duy nhất cho tất cả cư dân Ấn Độ và đủ mạnh, có thể loại bỏ mọi trùng lặp và giả danh, kiểm tra, xác thực dễ dàng với chi phí thấp. Tầm nhìn của cơ quan này là để người dân Ấn Độ có được định danh chính xác và có một nền tảng số để xác thực vào mọi lúc, mọi nơi. Đây là cơ sở dữ liệu nhân trắc học lớn nhất thế giới với 1,15 tỷ người và có đến 99% dân số trưởng thành. Đây là cơ sở để áp dựng phương pháp quản lý không giấy tờ. Đặc biệt, DigiLocker là một nền tảng số để in và xác minh giấy tờ và chứng chỉ, do vậy loại bỏ việc sử dụng giấy tờ vật lý[7].
Tại Singapore, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Thông tin Truyền thông (Infocomm) cùng thiết lập “myInfo”, nơi tập hợp dữ liệu cá nhân của công dân từ các cơ quan chính phủ vào một hồ sơ duy nhất cho từng công dân. Người sử dụng có thể bổ sung thông tin về thu nhập, giáo dục, nghề nghiệp và gia đình. Hồ sơ này sẽ được các cơ quan chính phủ sử dụng khi người dùng cần điền biểu mẫu, giúp công dân giảm bớt việc nộp trùng dữ liệu cho các giao dịch khác nhau, và sau đó xác minh bất kỳ giấy tờ vật lý nào. Sáng kiến này được dự kiến sẽ tạo ra đủ dữ liệu, cho phép các cơ quan hiểu trước nhu cầu của người dân và cung cấp dịch vụ cho công dân khi cần. Tất cả dịch vụ kỹ thuật số yêu cầu xác thực hai yếu tố sẽ được kết nối với nền tảng “myInfo” vào năm 2018 với dự kiến khoảng 200 dịch vụ. Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp thương mại có thể truy cập vào dữ liệu của công dân, cho phép các doanh nghiệp xử lý các giao dịch khác nhau được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia “myInfo”.
Dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số hiện đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ TT&TT để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp có xác định có 4 loại hình chia sẻ dữ liệu số bao gồm: chia sẻ dữ liệu số mặc định; chia sẻ dữ liệu số theo thỏa thuận; chia sẻ dữ liệu số cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;chia sẻ dữ liệu mở.
Hình 4. Mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương hệ thống GSP
- Kết luận: Thế giới đang bước bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế – xã hội của con người. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng, thực hiện các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của các công nghệ mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì khả năng cạnh tranh và giải quyết các vấn đề tồn tại do phát triển gây ra. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là hết sức cần thiết đối với Việt Nam đặc biệt là việc chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.