Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) là hai khái niệm được nhắc rất nhiều trong khoảng hai năm trở lại đây. Nhờ sự phát triển của năng lực xử lý, công nghệ hình ảnh và khả năng sản xuất, người ta đã có thể làm ra những sản phẩm VR và AR tốt hơn bao giờ hết. VR có Oculus Rift là phần cứng điển hình, AR thì có trò Pokemon Go kết hợp giữa đời thực với thông tin ảo một cách nhuần nhuyễn. Trong bài này, mời các bạn tìm hiểu kĩ hơn về AR và VR, chúng khác nhau ra sao và người ta đang dùng chúng cho những tình huống nào trong đời sống nhé.
Thực tế ảo (Virtual Reality - VR)
Những ứng dụng VR sẽ đưa bạn vào một thế giới mới, một thế giới ảo hoàn toàn và khi đó gần như bạn không còn nhận thức gì về thế giới thật xung quanh mình nữa. Ví dụ, bạn sẽ được đưa vào một trạm không gian trong tương lai năm 2069, nơi mà bạn sẽ đi lên các phi thuyền, bay lượn giữa các vì sao. Một ví dụ khác: bạn sẽ được đưa về thời tiền sử dạo chơi cùng khủng long, rờ vào chúng, bay giữa các ngọn núi lửa với những khu rừng nguyên sinh phủ đầy bên dưới. Những thứ bạn thấy hoàn toàn là những khung cảnh do máy tính hoặc điện thoại di động dựa nên, không có gì là thật cả.
Đặc tính của thực tế ảo đó là sự hòa nhập (immersive). Thuật ngữ này mô tả cảm giác của bạn khi được đưa vào thế giới VR: bạn cảm thấy thế giới đó có thật không, bạn có thấy được hết những đối tượng trong đó hay không, bạn có cảm thấy như mình đang sống trong một không gian hoàn toàn mới hay không. Sự hòa nhập này một phần đến từ việc kính thực tế ảo sẽ bao phủ hết tầm nhìn của mắt nên bạn sẽ không thấy gì ngoài đời thật cả.
Ngoài ra, VR cũng phải tạo được sự thoải mái cho bạn khi sử dụng vì bạn sẽ di chuyển đầu rất nhiều, nếu thiết bị theo dõi chuyển động của đầu không đủ tốt và phần mềm xử lý không đủ nhanh, bạn sẽ bị lệch về những gì mình thật sự thấy và những gì não cảm nhận, tạo ra một cảm giác khó chịu và thậm chí là mệt mỏi, nhức đầu, buồn nên. Đây là vấn đề mà nhiều sản phẩm VR đời đầu mắc phải. Ngày nay thì không còn nữa. Những sản phẩm như Oculus Rift hay Google Cardboard đã giải quyết được vấn đề này.
Công nghệ thực tế ảo đã có từ những năm 1990. Lúc đó, người người nhà nhà trên khắp thế giới nói về việc làm ra những sản phẩm VR lớn nhưng hầu hết đều thất bại vì nhiều lý do: sức xử lý của máy tính chưa đủ mạnh, cộng đồng chưa nhiều, chi phí đắt đỏ, trải nghiệm chưa tốt (đây là lý do lớn nhất). Nintendo, cái tên vô cùng quen thuộc, cũng từng ra mắt một thiết bị tên Virtual Boy hồi năm 1995. Bạn sẽ đừng trên bàn để chơi game thực tế ảo trong chiếc kính giá 175$ này, nhưng tới cuối năm nó đã bị ngừng bán vì trải nghiệm kém, không thoải mái, hình ảnh không full màu.
Thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR)
Mình cũng không chắc dịch cụm từ này sang tiếng Việt là "thực tế tăng cường" có đúng 100% hay không, nhưng đã rất cố gắng mà vẫn chưa tìm được một từ chính thức nào nên tạm gọi là như thế nhé. AR tập trung vào việc kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo, không phải tách bạn ra một không gian riêng như VR. AR cũng sẽ cho phép bạn tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thật, có thể là chạm vào, có thể phủ một lớp hình ảnh lên trên...
Ví dụ dễ thấy nhất: trò chơi Pokemon Go. Nó là một trò chơi trên smartphone, rõ ràng là ảo. Nhưng tọa độ của bạn trong game lại chính là tọa độ của bạn ngoài đời, bản đồ trong game chính là bản đồ thành phố bạn đang ở, và những trạm PokeStop mà bạn dừng lại để lấy vật phẩm là những địa danh nào đó có thật ngay trong chính thành phố của bạn. Sự kết hợp giữa thật và ảo như thế chính là AR. Ngoài ra, ứng dụng Nokia City Lens lúc trước với khả năng hiển thị các quán ăn, nhà hàng, trung tâm mua sắm và địa danh lên hình ảnh camera cũng là AR.
Thiết bị AR khá nổi trong thời gian qua chính là Microsoft HoloLens. Chiếc kính này có một lớp kính để bạn vẫn thấy được những gì đang diễn ra bên ngoài chứ không bịt kín hết như Oculus Rift, HTC Vive VR hoặc Google Cardboard. HoloLens cũng sẽ dựng các ảnh ảo 3D rồi phủ lên những vật thể ngoài đời thực để bạn có thể tương tác với chúng.
Người ta đang dùng AR và VR để làm gì?
Với VR, do bản chất là sẽ đem bạn đến một thế giới khác, một vị trí khác hoàn toàn nên rất phù hợp để chơi game, phim và những nội dung giải trí nói chung. Người ta cũng có thể làm VR cho những dự án nhà đất và xây dựng (cho khách ở TP.HCM đi xem nhà ở HN), kết nối con người trong mạng xã hội (Facebook đang muốn làm vụ này), đi xem phim ảo, coi video 360 độ (quay bằng những thiết bị chuyên dụng, bao phủ khắp mọi hướng của người quay).
Trong khi đó, AR lại nhắm tới việc tăng cường những trải nghiệm ngoài đời bằng thông tin ảo. HoloLens có thể lấy một chiếc xe hơi ngoài đời rồi phủ lên các màu sơn khác nhau để khách trải nghiệm. Một chiếc gương thông minh có thể cho bạn thấy mình trong đó và thử nhiều bộ quần áo trước khi quyết định sẽ sắm cái nào. Một ứng dụng trên điện thoại sẽ cho bạn biết căn nhà mà camera đang quét tới xây từng năm bao nhiêu, lịch sự phát triển của nó là gì, ai là chua sở hữu. AR cũng có thể làm game, ví dụ như Pokemon Go hay trò chơi bắn người ngoài hành tinh với bối cảnh chính là căn nhà của bạn, bạn sẽ chạy vòng vòng trong đó, nấp và nã đạn vào kẻ thù.
AR và VR, cái nào đang phát triển mạnh hơn?
Tính đến thời điểm hiện tại, công nghệ AR đang phổ biến hơn so với VR, nhất là sau đợt Pokemon Go. AR có thể xài ngay chiếc điện thoại của bạn để chạy, vì hiện tại hầu hết điện thoại đều đã có camera cũng như các cảm biến đủ mạnh để nhận biết về thế giới bên ngoài của bạn. CEO Facebook cũng tin rằng smartphone sẽ là công cụ đưa AR đến với mọi người ở thời điểm ban đầu chứ không phải những thiết bị phức tạp như HoloLens. Hãy nhìn vào cách mà AR được Pokemon Go sử dụng, chẳng phải đó là một đợt bùng nổ hay sao?
Trong khi đó, VR do đòi hỏi phải có phần cứng chuyên dụng nên chưa thể phát triển mạnh như AR. Ít nhất bạn sẽ cần có một chiếc kính thực tế ảo, dù giá rẻ hay mắc thì vẫn phải đi mua. Để trải nghiệm tốt hơn, bạn sẽ cần thêm một dạng tay cầm nào đó, có thể là tay cầm chơi game hay những thiết bị được phát triển riêng. Ở khoảng giá rẻ, chiếc kính Google Cardboard chỉ có giá 10-15$ mà thôi. Còn lên cao hơn, xịn hơn, hình ảnh rõ hơn, nét hơn thì có Oculus Rift giá 600$ hay HTC Vive Pre giá 800$. Ngoài ra, những chiếc kính Rift hay Vive còn đòi hỏi máy tính phải có cấu hình mạnh, thứ mà không phải ai cũng dễ dàng mua được.
AR và VR thực chất không phải đối thủ của nhau. Mỗi cái có những ứng dụng rất riêng mà cái còn lại không thể làm được, vậy nên chúng vẫn sẽ tồn tại song song nhau. Nhưng ở thời điểm hiện tại, AR sẽ phát triển nhanh hơn về mặt thương mại và mức độ phổ biến, còn VR có lẽ phải đợi một thời gian nữa khi mà giá thành giảm và các thiết bị có cách tiếp cận dễ hơn với người dùng thì mới có thể xuất hiện đại trà.