Giống như nhiều nền kinh tế phát triển khác, Nhật đối diện với vấn đề nhân khẩu học, và đáng nói, nó đang ngày một tồi tệ hơn. Dù kinh tế Nhật đang có khoảng thời gian tăng trưởng tốt nhất tính từ thập niên 1990, nhiều người Nhật không được hưởng lợi gì từ điều đó, theo Bloomberg.
Chênh lệch thu nhập ở Nhật hiện nay dù không cao như ở Mỹ nhưng cũng khiến cho nhiều người Nhật có cuộc sống khó khăn, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học vì thế sẽ khó giải quyết hơn bởi mức lương thấp khiến người ta không muốn sinh con đẻ cái. Ngoài ra, lực lượng dân số già khiến chính phủ khó tìm được kênh huy động thêm tiền để nuôi người già.
Thủ tướng Shinzo Abe đang có những biện pháp ứng phó với vấn đề nhân khẩu học. Trong tháng này, chính phủ Nhật đang bàn bạc về dự thảo hỗ trợ các bậc cha mẹ bằng cách miễn hoàn toàn học phí bậc mầm non.
Mới đây, một nghiên cứu mới được công bố đã cho thấy rõ hơn về hoạt động phân bổ lại tài sản dưới thời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Từ khi ông Abe lên nắm quyền Thủ tướng Nhật, những người sống ở khu vực Tokyo hưởng lợi nhiều nhất, mức thu nhập sau thuế trung bình tăng gần 7% trong khoảng thời gian năm năm tính đến cuối năm tài khóa 2016, mức tăng trưởng thu nhập cao nhất so với tất cả các tỉnh khác ở Nhật.
Trong khi đó, thu nhập của khoảng 2,4 triệu người sống ở Nara và Kagawa giảm đi trong cùng khoảng thời gian trên. Một người dân ở đây trung bình chỉ có thu nhập bằng khoảng 60% so với người Tokyo.
Tại khu vực tỉnh Fukushima vốn chịu nhiều tác động tiêu cực của động đất, sóng thần, khi người dân nhận được tiền đền bù từ vụ động đất năm 2011, thu nhập của họ nhờ vậy tăng lên.
Dân số Nhật bắt đầu giảm từ năm 2008, và tốc độ giảm đang dần tăng lên. Khu vực nông thôn Nhật đối diện với tình trạng dân số giảm nhiều nhất. Khi mà ngày một nhiều người trẻ rời bỏ các miền quê ra thành phố nơi có nhiều việc làm hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn, những khu vực đô thị như Tokyo, Nagoya hay Fukuoka ngày một tăng trưởng.
Tuy nhiên tại những khu vực mà dân số đang giảm, việc thiếu hụt lực lượng lao động khiến những khu vực này ngày một khó tăng trưởng. Khi mà người trẻ ra thành phố đi theo những đồng thuế mà lẽ ra họ sẽ đóng góp ở địa phương, chính quyền các tỉnh nông thôn gặp khó khi muốn kiếm đủ nguồn thu thuế để chi trả cho hệ thống phúc lợi mà những người còn ở lại, vốn chủ yếu là người già, đang sử dụng.
Tokyo
Tại Tokyo, bất bình đẳng thu nhâp đang ngày một tồi tệ hơn, chênh lệch thu nhập giữa các các nhân đang ngày một lớn. Những người thuộc quận Minato, khu vực tập trung nhiều cơ quan của chính phủ Nhật và đồng thời là nơi có thu nhập sau thuế cao nhất nước, đã có năm năm tăng trưởng thu nhập cực tốt.
Lợi nhuận doanh nghiệp cao cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập từ cổ tức của người quận Minato năm 2016 tăng 251% so với năm 2012. Người dân ở khu vực tập trung đại sứ quán của nhiều nước lớn trên thế giới cũng như văn phòng của Google và Goldman Sachs có thu nhập sau thuế đạt 11,1 triệu yên trong năm 2016, tăng 23% so với năm 2012.
Osaka
Dù Osaka được coi như thành phố lớn thứ hai tại Nhật, Osaka nghèo hơn rất nhiều so với Tokyo, thu nhập sau thuế bình quân của người Osaka chỉ bằng 77% so với người ở Tokyo. Nguyên nhân khiến Osaka nghèo đi chính là việc nhiều công ty Nhật như Panasonic hay Sharp thu hẹp hoạt động sản xuất, vì vậy thu nhập của người dân đồng thời giảm theo.
Đối với nhiều người Nhật, tăng trưởng thu nhập thấp đồng nghĩa với việc họ chẳng được hưởng lợi gì từ quá trình phục hồi kinh tế. Kinh tế khó có thể tăng trưởng khi người dân không tiêu dùng và đất nước khó tăng trưởng nếu người dân không đóng thuế, không chịu sinh con đẻ cái đơn giản bởi họ không kiếm được tiền.
Nhật đang đối diện với quá nhiều vấn đề và bất bình đẳng thu nhập tăng cao, người dân nợ nần khiến chính phủ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa nếu muốn giải quyết vấn đề dân số giảm.