Các hình thức đầu tư
Theo quy định từ điều 21 đến điều 26 Luật đầu tư 2005 có các hình thức đầu tư như sau:
|
I. Các hình thức đầu tư trực tiếp
1. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
2. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT.
4. Đầu tư phát triển kinh doanh.
5. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
6. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.
7. Các hình thức đầu tư trực tiếp khác.
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
1. Nhà đầu tư được đầu tư để thành lập các tổ chức kinh tế sau đây:
a) Doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
b) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật;
c) Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi;
d) Các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài ra nhà đầu tư trong nước được đầu tư để thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo Luật hợp tác xã; hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đầu tư theo hợp đồng
1. Nhà đầu tư được ký kết hợp đồng BCC để hợp tác sản xuất phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác.
Đối tượng, nội dung hợp tác, thời hạn kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, quan hệ hợp tác giữa các bên và tổ chức quản lý do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
Hợp đồng BCC trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và một số tài nguyên khác dưới hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các dự án xây dựng mới, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, sản xuất và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải và các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Chính phủ quy định lĩnh vực đầu tư, điều kiện, trình tự, thủ tục và phương thức thực hiện dự án đầu tư; quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT.
Đầu tư phát triển kinh doanh
Nhà đầu tư được đầu tư phát triển kinh doanh thông qua các hình thức sau đây:
1. Mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh;
2. Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường
Góp vốn, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại
1. Nhà đầu tư được góp vốn, mua cổ phần của các công ty, chi nhánh tại Việt Nam.
Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành, nghề do Chính phủ quy định.
2. Nhà đầu tư được quyền sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh.
Điều kiện sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh theo quy định của Luật này, pháp luật về cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
II. Đầu tư gián tiếp
1. Nhà đầu tư thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác;
b) Thông qua quỹ đầu tư chứng khoán;
c) Thông qua các định chế tài chính trung gian khác.
2. Đầu tư thông qua mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác của tổ chức, cá nhân và thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp theo quy định của pháp luật về chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
|
III. Các loại đầu tư trên thị trường
Với sự góp sức của công nghệ hiện đại, các nhà đầu tư có nhiều kênh để sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của mình nhằm sinh lời. Nguồn vốn có thể do vay, mua bán, trao đổi hoặc tự thân tích lũy (tiền, vàng, kiến thức) mà có.
Xét ba dạng: đầu tư quyền sở hữu, đầu tư cho vay và đầu tư vàng.
1. Đầu tư quyền sở hữu
Đầu tư quyền sở hữu là dạng đầu tư dễ sinh lời nhưng cũng chứa đựng rủi ro cao. Đầu tư quyền sở hữu gồm có: đầu tư chứng khoán, kinh doanh khởi nghiệp, đầu tư bất động sản và đầu tư đồ cổ.
a) Đầu tư chứng khoán là một trong những hình thức đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp. Tại đó, nhà đầu tư bỏ vốn để mua chứng khoán đang lưu hành trên thị trường để đạt được lợi ích nhất định. Cổ phiếu là chứng chỉ chứng nhận bạn sở hữu một phần tài sản của công ty.
Đây là kênh đầu tư linh hoạt, có thể mua bán dễ dàng và nhanh chóng, đặc biệt với cổ phiếu niêm yết. Đầu tư cổ phiếu không đòi hỏi vốn lớn và mọi đối tượng đều có thể tham gia. Ưu điểm của hình thức đầu tư này là tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi, sinh lời nhanh nếu đầu tư đúng thời điểm, có tầm nhìn dài hạn và chọn đúng cổ phiếu để đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thường có nhiều biến động khó lường do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như kinh tế vĩ mô trong nước, biến động kinh tế thế giới, tình hình hoạt động doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, yếu tố dòng tiền cho đầu tư và các sự kiện kinh tế chính trị khác.
b) Kinh doanh khởi nghiệp: Bạn đầu tư một khoản tiền vào xây dựng và điều hành một công ty cũng là một hình thức đầu tư. Khởi nghiệp là một trong những hình thức đầu tư khó nhất bởi không chỉ đòi hỏi một số tiền lớn mà còn phụ thuộc sản phẩm doanh nghiệp của bạn bán ra có tiềm năng phát triển hay không.
c) Đầu tư đồ cổ: Bức tranh của danh họa nổi tiếng, những vật dụng cổ có giá trị cũng được xếp hàng loại hình đầu tư quyền sở hữu. Tuy nhiên, loại hình này cần người đầu tư phải có lượng kiến thức khổng lồ cũng như số vốn lớn. Hiện nay, ở Việt Nam hình thức này thiên nhiều về thú chơi của những người giàu hơn là một loại hình đầu tư nghiêm túc.
d) Đầu tư bất động sản: Nhà, căn hộ, nhà cho thuê, nhà mua đi bán lại đều là những khoản đầu tư bất động sản có thể sinh lời. Được đánh giá là hình thức đầu tư lớn và ổn định, có khả năng sinh lời cao, đầu tư bất động sản có sự tham gia của nhiều bên như môi giới, chủ đất, chính quyền…
2. Đầu tư cho vay:
Hình thức đầu tư này ổn định hơn hình thức đầu tư quyền sở hữu. Đi kèm với tính rủi ro, đầu tư cho vay không mang lại nhiều lợi nhuận. Đầu tư cho vay gồm có: gửi tiền tiết kiệm và đầu tư trái phiếu.
a) Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng: Nếu bạn có một số tiền nhàn rỗi, không muốn mạo hiểm đầu tư và chấp nhận lợi nhuận có được không cao, bạn có thể cân nhắc lựa chọn hình thức gửi tiền tiết kiệm, thông qua lãi suất ngân hàng để kiếm lời. Thông thường loại hình này cần đầu tư dài hạn mới có thể sinh lời nhiều.
Gửi tiết kiệm ngân hàng được đánh giá là cách thức an toàn, ít chịu phụ thuộc. Tuy nhiên, rủi ro khi gửi tiết kiệm chính là vấn đề lạm phát, dẫn đến đồng tiền mất giá trị một phần nào đó.
b) Đầu tư trái phiếu: Các nhà đầu tư cho vay bằng cách mua về những trái phiếu mà một công ty phát hành. Đổi lại, công ty sẽ trả lại trong khoảng thời gian được định sẵn và trả lại khoản gốc vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên, hình thức này chứa nhiều rủi ro như lãi suất, lạm phát, khả năng thanh khoản không cao.
3. Đầu tư vàng:
Có thể nói, đầu tư vàng là loại hình đầu tư xuất hiện sớm nhất khi con người bắt đầu có ý thức tiết kiệm và mua vàng tích trữ. Loại hình này phù hợp với những người có tiền vốn nhưng sợ rủi ro khi đầu tư và không tìm thấy kênh đầu tư hợp lý.
Nhiều người cho rằng có số tiền lớn mới đầu tư vàng. Nhưng ngược lại, nếu vốn ít, bạn có thể mua vàng miếng nhỏ sau lần lĩnh lương. Cứ tích lũy dần dần bạn sẽ có trong tay một lượng vàng đáng kể. Đây cũng là ưu điểm của loại hình đầu tư này khi số vốn bỏ ra ít, thoải mái thời gian đầu tư nhưng vẫn đem lại hiệu quả.
IV. Tiêu chí nào để đánh giá lựa chọn kênh đầu tư?
Tuy hiện nay có rất nhiều hình thức đầu tư nhưng nổi bật trong đó phải kể đến bốn loại hình: đầu tư vàng, gửi tiền tiết kiệm, đầu tư chứng khoán và bất động sản. Đây là những loại hình phổ biến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn cũng như mang lại lợi nhuận cao.
Với những loại hình đầu tư kể trên, nhà đầu tư có nhiều kênh cũng như công cụ để “bỏ trứng” sinh lời. Tuy nhiên, quan niệm “bỏ trứng vào nhiều giỏ” lại không hoàn toàn đúng trong đầu tư. Điều kiện, nguồn vốn và khả năng đầu tư của bạn đối với từng loại hình đầu tư là khác nhau nên việc đầu tư trải dài trên nhiều loại hình đầu tư khó mang lại thành công. Vậy tiêu chí nào để giúp các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp?
Hình thức đầu tư phù hợp với nhà đầu tư cần thỏa mãn các tiêu chí: tính thanh khoản, khả năng sinh lời cũng như rủi ro, dòng tiền, số tiền đầu tư, phương thức đầu tư, các bên tham gia và hoàn cảnh nhà đầu tư.
1. Tính thanh khoản:
Khả năng quy đổi thành tiền do hình thức đầu tư mang lại được đánh giá là yếu tố đầu tiên khi cân nhắc lựa chọn đầu tư.
Đầu tư vàng và gửi tiền tiết kiệm mang tính thanh khoản thấp. Trong khi nhà đầu tư sẽ khó mua hoặc bán vàng trong thời gian tỉ giá xuống thấp hoặc quá cao thì tiền gửi ngân hàng sinh lời nhiều hay ít phụ thuộc thời gian gửi và tỉ giá lãi suất mỗi năm.
Chứng khoán được đánh giá có tính thanh khoản cao hơn hai hình thức trên nhưng phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất và sự lên xuống của thị trường. Trong khi đó, đầu tư bất động sản có tính thanh khoản cao, nếu không bán được có thể cân nhắc cho thuê kiếm lời ngay.
2. Khả năng sinh lời, rủi ro:
Điều quan tâm thứ hai của các nhà đầu tư là khả năng sinh lời cũng như rủi ro từ khoản đầu tư của mình.
Là hai hình thức đầu tư ít rủi ro nhất, đầu tư vàng và gửi tiền tiết kiệm mang lại lợi nhuận lâu dài. Nói cách khách, hai phương thức này sinh lời lâu dài, đòi hỏi phải đầu tư đều đặn. Hình thức này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, không ưa mạo hiểm và chấp nhận sinh lời không cao.
Đầu tư chứng khoán cũng có khả năng sinh lời tương đối lâu, đòi hỏi tích trữ lâu dài. Độ rủi ro của hình thức này tương đối cao khi phụ thuộc vào tình hình tài chính của công ty phát hành trái phiếu.
Là hình thức đầu tư sinh lời nhanh, đầu tư bất động sản lại ẩn chứa nhiều rủi ro nếu gặp chủ đầu tư không có uy tín, thị trường bất động sản đi xuống, xuất hiện đầu cơ...
3. Dòng tiền:
Dòng tiền là chuyển động ra, vào của đồng tiền trong một doanh nghiệp, dự án hoặc sản phẩm tài chính
Xét về tiêu chí này, đầu tư vàng phụ thuộc vào tỉ giá chung của thị trường. Đầu tư chứng khoán phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh của công ty. Nếu công ty phát triển tốt, dòng vốn đổ vào nhiều, dòng tiền mang lại cho các nhà đầu tư lớn và ổn định.
Cũng giống đầu tư chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm cũng phụ thuộc tình hình kinh doanh của ngân hàng, lãi suất ngân hàng thời điểm gửi tiền. Đầu tư bất động sản phụ thuộc vào nhà phát triển dự án, chủ đầu tư, tiềm lực tài chính cũng như mức độ uy tín của các bên tham gia. Điều này dễ dàng kiểm chứng thông qua những dự án mà họ đã triển khai trước đó.
4. Số tiền đầu tư:
Như đã phân tích ở trên, đầu tư vàng và chứng khoán không đòi hỏi quá nhiều vốn và rất linh hoạt vào trữ lượng vàng bạn muốn mua.
Đối với gửi tiền tiết kiệm, nhà đầu tư cũng không cần một số tiền lớn trong một thời điểm, có thể chia ra nhiều đợt gửi. Hình thức này cũng có thời gian gửi tiền linh hoạt.
Đối với đầu tư bất động sản, nhà đầu tư cần số tiền vốn lớn, huy động trong một lần. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều chủ dự án chấp nhận hình thức vay ngân hàng để trả theo thời hạn đề ra. Điều này hỗ trợ phần nào cho các nhà đầu tư chưa có được nguồn vốn lớn.
5. Phương thức đầu tư:
Đầu tư vàng, chứng khoán và bất động sản đều là hình thức mua đi bán lại. Các hình thức này đều nhận lãi từ chênh lệch giá. Đối với hình thức gửi tiền tiết kiệm, nhà đầu tư dựa trên lãi suất để sinh lời.
6. Các bên tham gia:
Đây cũng là yếu tố đánh giá khả năng đầu tư của các hình thức. Khi đầu tư vàng, quyền quyết định chủ yếu là của nhà đầu tư. Đầu tư chứng khoán hay gửi tiền tiết kiệm, nhà đầu tư sẽ phải làm việc với sàn giao dịch và ngân hàng.
Đối với hình thức bất động sản, nhà đầu tư thường làm việc trực tiếp với môi giới. Để đầu tư đúng, bạn cần làm việc chặt chẽ và chia hoa hồng cho môi giới bất động sản.
7. Nhà đầu tư có hoàn cảnh ra sao:
Điều này cũng có ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Nếu bạn đang có số tiền nhàn rỗi lớn, am hiểu về thị trường bất động sản, mong muốn sinh lời nhanh thì hình thức đầu tư bất động sản sẽ phù hợp với bạn. Nhưng nếu bạn là nhà đầu tư không ưa mạo hiểm, số tiền vốn không nhiều thì đầu tư vào bất động sản sẽ mang lại nhiều rủi ro.
Như vậy, mỗi loại hình đầu tư có những ưu điểm và lợi thế riêng. Trên thực tế, với sự hỗ trợ của công nghệ cùng sự phát triển của thông tin đại chúng, vận động nội tại của thị trường, loại hình đầu tư bất động sản hiện đang được nhiều người cân nhắc.