Nhiều sân bay quốc tế trong tình trạng quá tải cần mở rộng hoặc xây mới. Trong ảnh: Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang hoạt động vượt công suất thiết kế. Ảnh: Thi/shutterstock
Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên trên sàn Upcom cuối năm ngoái, cổ phiếu của công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), đơn vị vận hành hơn 20 sân bay tại Việt Nam nổi sắc tím, tăng kịch trần 40% từ giá tham chiếu 25 ngàn đồng. Một năm sau, giá cổ phiếu của ACV đạt mức cao hơn 84 ngàn đồng vào ngày 22.11.2017. ACV đang có lợi thế độc quyền trong kinh doanh cụm cảng hàng không, mảng kinh doanh hưởng lợi từ nhu cầu đi lại và du lịch. Việt Nam đón hơn 10 triệu khách du lịch quốc tế trong 10 tháng của năm 2017, gấp ba lần so với 10 năm trước, dẫn đầu châu Á về tốc độ phát triển, theo tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Trong đó 80% khách quốc tế di chuyển bằng hàng không và gần 62 triệu khách nội địa. Tăng trưởng nhanh về lượng khách khiến một số cửa ngỏ hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải.
Đến cuối năm 2016, Việt Nam có 11 sân bay quốc tế và 10 sân bay nội địa với tổng công suất đạt 70 triệu khách/năm. Với 81 triệu hành khách di chuyển bằng máy bay tại Việt Nam trong năm 2016, các sân bay Việt Nam đang bị quá tải. Theo ACV, một số cảng hàng không đang vượt quá công suất vận hành như Đà Nẵng đón 8,8 triệu khách/năm trong khi công suất thiết kế chỉ sáu triệu khách, vượt công suất gần 50%; Cam Ranh đã đón gần bốn triệu lượt khách năm ngoái trong khi thiết kế là 2,5 triệu, vượt công suất gần 60%; Tân Sơn Nhất cuối năm ngoái đón hơn 32 triệu lượt khách trong khi thiết kế chỉ 26 triệu lượt khách/ năm, vượt công suất 25%... Hiện Tân Sơn Nhất đang quá tải từ nhà ga đến đường lăn, sân đỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bay, nhất là vào cao điểm dịp lễ, tết. Việc sân bay bị quá tải nghiêm trọng là thách thức không nhỏ cho phát triển du lịch đến Việt Nam, theo công ty nghiên cứu Savills Việt Nam. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ cảng hàng không dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tới nhờ vào sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, các hãng hàng không giá rẻ đẩy mạnh mở rộng thị phần và chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua hiệp định thương mại song phương, đa phương của chính phủ Việt Nam. Để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng nói trên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính phủ Việt Nam phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam hiện đang triển khai 11 dự án, trong đó bảy dự án sẽ hoàn tất trong ba năm tới.
Thi công đường băng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: tư liệu)
Đặc biệt, các dự án mở rộng ga Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Nội Bài, Phú Quốc giai đoạn 2016 - 2018 sẽ bổ sung thêm gần 23% năng lực phục vụ hành khách và giảm bớt phần nào áp lực quá tải hiện tại. Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng sân bay, chính phủ mở cửa cho tư nhân tham gia và bước đầu có một số công ty đầu tư lớn trong ngành du lịch như Sun Group, VietJetAir tham gia. Sun Group, đang vận hành bảy khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và bảy khu vui chơi giải trí tại Việt Nam là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tham gia vào đầu tư hạ tầng sân bay. “Chúng tôi nhìn thấy sự khác biệt của phát triển hạ tầng cần phải đi trước một bước,” ông Đặng Minh Trường, phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Sun Group chia sẻ. Đầu tư cho hạ tầng một cách bài bản đi kèm với dịch vụ du lịch tốt sẽ “tạo động lực mời gọi các nhà đầu tư và du khách”.
Dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, do Sun Group khởi công năm 2015 có tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỉ đồng, dự kiến đến khoảng quý 2.2018 sẽ đón những chuyến bay đầu tiên, theo ông Trường. Cảng hàng không quốc tế cấp 4E này dự kiến đón được những loại máy bay hiện đại nhất thế giới như A380, B777. Dự án có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm và có thể nâng lên năm triệu hành khách/năm ở giai đoạn kế tiếp. Ý tưởng thiết kế của nhà ga mô phỏng đặc trưng của địa phương với hình ảnh cánh buồm và những hòn đảo thơ mộng của vịnh Hạ Long từ Naco & Architecture của Hà Lan, đơn vị tham gia thiết kế gần 600 sân bay khắp thế giới và CPG Consultants trực thuộc tập đoàn CPG Singapore, đã thiết kế sân bay Changi của Singapore và Thiên Hà Vũ Hán của Trung Quốc. Theo ông Trường, mô hình Sun Group tham khảo bay lớn thứ tư ở Trung Quốc và tới năm 2015, sân bay Bảo An Thâm Quyến đã vận hành với công suất đón gần 40 triệu hành khách và hơn một triệu tấn hàng hóa, sánh ngang với các sân bay ở Barcelona, New York hay Sao Paolo, theo ông Trường. Dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn gắn với đặc khu Vân Đồn tương lai sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, khi chính sách phát triển đặc khu hành chính kinh tế được luật hóa thành văn bản.
Ông Đặng minh trường, phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Sun Group. (Ảnh: tư liệu)
Ở miền Trung, tập đoàn Rạng Đông, lâu nay hoạt động mạnh trong mảng bất động sản, hạ tầng tại Bình Thuận, đang triển khai dự án sân bay ở Bình Thuận. Sân bay Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận, theo ông Hoàng Minh Huy, tổng giám đốc công ty cảng Hàng không Phan Thiết thuộc tập đoàn Rạng Đông, đã được điều chỉnh quy hoạch nâng từ cấp 4C lên 4E để có thể đón loại máy bay chở khách cỡ lớn. Dự án đã sẵn sàng mặt bằng để thi công, nhưng các thông tin chi tiết về công suất, quy mô, nguồn vốn… hiện vẫn tiếp tục trong giai đoạn điều chỉnh. Khi xây dựng xong, sân bay Phan Thiết sẽ là đòn bẩy hạ tầng cho thành phố du lịch biển, nơi đón hơn bốn triệu lượt du khách năm ngoái và dự kiến sẽ đạt năm triệu lượt khách trong năm nay. Ngoài Sun Group, Rạng Đông tham gia đầu tư hạ tầng sân bay, còn có tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), doanh nghiệp đang kinh doanh cửa hàng xa xỉ phẩm tại sân bay. IPP liên doanh với tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV tham gia dự án cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, trong đó IPP là cổ đông lớn nhất. Dự án được chia thành hai giai đoạn, với tổng công suất đón 6,5 triệu khách/năm. Năm ngoái, sân bay Cam Ranh đón gần bốn triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế chỉ có thể đón 2,5 triệu lượt khách. Ngoài ra, việc tăng cường số lượng các chuyến bay quốc tế sử dụng tàu bay thân rộng (code E) tạo áp lực nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Cam Ranh.
Dự kiến, đến năm 2020, tổng công suất các cảng hàng không sẽ tăng từ 70 triệu năm 2016 lên 123 triệu khách/năm. Ngoài các dự án hạ tầng sân bay đã được phê duyệt như nhà ga hành khách tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi, xây mới nhà ga T2 thuộc cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đầu tư xây dựng mới nhà ga tại các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Liên Khương, Buôn Ma Thuột; xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng hàng không Vinh… một số dự án khác đang trong quá trình điều chỉnh dự án. Các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khi phát ngôn các thông tin chi tiết. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, sáng lập tập đoàn IPP cho hay, ông chờ đợi sau khi nhà ga quốc tế Cam Ranh mới đi vào khai thác và các dự án của ông được cấp phép trong năm 2018 mới có thể chia sẻ thông tin cụ thể hơn.
Vài tháng trước khi ACV niêm yết, tại sự kiện hội nghị phụ nữ do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức tháng 4.2017, sáng lập kiêm chủ tịch công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, xem dấu hiệu quá tải ở các sân bay như một chỉ báo tốt của phát triển kinh tế. Bà nói: “Không có đất nước, thành phố lớn nào phát triển mà không quá tải. Bằng nhãn quan nhìn thấy cơ hội của người làm kinh doanh, nữ tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam tiết lộ tham vọng của hãng hàng không giá rẻ quy mô lớn nhất Việt Nam sẽ mở rộng sang ngành nghề mới: lĩnh vực hạ tầng nhà ga sân bay. Điều này giúp phục vụ cho nhu cầu khai thác của chính hãng, bên cạnh đó đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách được kiểm soát đồng bộ, mang lại hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp. Hãng hàng không này cũng đã xin chủ trương đầu tư vào sân bay Cát Bi và Chu Lai năm ngoái nhưng vẫn chưa có những phản hồi cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước.
Đại diện truyền thông của Vietjet Air cho biết, mọi việc đang ở hình thức “công văn”. Đầu tư hạ tầng sân bay không thể có thời gian thu hồi vốn nhanh. Hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn nhận, việc đầu tư vào hạ tầng sân bay có tác dụng kích thích ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Ông Huy của tập đoàn Rạng Đông chia sẻ, Rạng Đông “không kỳ vọng nhiều vào chỉ tiêu lợi nhuận từ dự án mang lại” nhưng dự án sẽ “góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của Rạng Đông trong lĩnh vực du lịch và thương mại”. Tương tự Rạng Đông, ông Trường của Sun Group cho rằng, đầu tư sân bay có vốn đầu tư lớn nhưng khả năng sinh lợi thấp và thời gian hoàn vốn lâu. Dù vậy, khi Vân Đồn đưa vào khai thác sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, tạo động lực phát triển lan tỏa cho vùng và khu vực.