Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Biên Hòa - Tân Thành - cụm cảng Cái Mép, Thị Vải (giai đoạn 1) thuộc Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT
1. Tên dự án: Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn
Biên Hòa - Tân Thành - cụm cảng Cái Mép, Thị Vải (giai đoạn 1) thuộc Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT
2. Loại hợp đồng dự án: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT)
3. Mục tiêu đầu tư xây dựng: Phát huy tính hiệu quả và đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các dự án giao thông quan trọng đã đưa vào khai thác như: Tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (năm 2010); tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (tháng 2/2015); dự án mở rộng QL51 với quy mô 6 làn xe cơ giới (tháng 4/2013); các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường liên cảng Cái Mép Thị Vải đã được khởi công, dự kiến đưa vào sử dụng trước 2020. Ngoài ra, việc đầu tư dự án còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
4. Quy mô:
- Cấp đường:
+ Quy mô hoàn chỉnh mở rộng quy mô theo quy hoạch (sẽ triển khai nghiên cứu để đầu tư vào giai đoạn 2030): Tuyến chính quy mô 6-8 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A (TCVN 5729-2012), vận tốc thiết kế Vtk=100-120 Km/h. Đoạn Biên Hòa – Tân Thành (Km0+000 – Km38+000) là 06 làn xe, Bn=32,5 – 34,5m; riêng đoạn từ nút giao với đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tới nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Km29+500) là 08 làn xe, Bn=39,75 – 42m. Tuyến nối đoạn Tân Thành - cụm cảng Cái Mép, Thị Vải quy mô 06 làn xe theo tiêu chuẩn đường cấp III, Vtk=80 Km/h (theo TCVN 4054-2005).
+ Giai đoạn 1: Đoạn Biên Hòa - Tân Thành gồm 04 làn xe (Bn=17m), tốc độ khai thác 80km/h (các yếu tố hình học tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc với Vtk=100-120km/h, phù hợp với hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014). Đoạn nối Tân Thành - cụm cảng Cái Mép, Thị Vải: Thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III (TCVN 4054-2005), Bn=17m, Vtk = 80km/h.
- Cầu và các công trình:
+ Quy mô vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DƯL, tải trọng thiết kế hoạt tải HL93 theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05. Tần suất thiết kế: P=1% với cầu trên đường cao tốc.
- Mặt đường: Cấp cao A1, Giai đoạn hoàn chỉnh đảm bảo mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc ≥ 210Mpa, giai đoạn 1 xây dựng đảm bảo mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc ≥ 180Mpa.
5. Địa điểm thực hiện: Thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
6. Yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn:
Hệ thống tiêu chuẩn áp dụng:
+ Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế TCVN5729 : 2012;
+ Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế TCVN4054 : 2005 cho đoạn nối Tân Thành - cảng Cái Mép, Thị Vải và các đường ngang là đường huyện, đường tỉnh;
+ Hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải.
+ Đường GTNT - Yêu cầu thiết kế TCVN 10380 : 2014 cho đường gom và các đường ngang dân sinh;
+ Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05;
+ Theo khung tiêu chuẩn đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2164/QĐ-BGTVT ngày 02/8/2010 và sẽ cập nhật trong bước tiếp theo.
Yêu cầu về kỹ thuật:
a) Bình đồ
Hướng tuyến đường cao tốc phù hợp với hướng tuyến tổng quan của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được nghiên cứu trước đây:
- Tuyến chính: Từ điểm nối tuyến tránh QL1A đoạn tránh TP. Biên Hòa (lý trình Km10+380 tuyến tránh thành phố Biên Hòa) cách ngã ba Vũng Tàu 6,5km, tuyến đi qua các nút giao đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Km16+780), đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Km29+500), tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (Km30+300) và cắt qua hồ chứa nước suối Nhum đến điểm tách nhánh nối từ Tân Thành ra cụm cảng Cái Mép, Thị Vải. Giai đoạn hoàn thiện xây dựng với quy mô 6-8 làn xe cao tốc. Giai đoạn 1 xây dựng mặt cắt ngang trùng với một nửa mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 04 làn xe Bn = 17m theo hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014.
- Tuyến nối: Kết nối tuyến chính từ điểm tách nhánh nối Tân Thành đi đến ngã ba giao giữa QL51 và đường vào cụm cảng Cái Mép, Thị Vải (Km48+100, QL51).
Tổng chiều dài tuyến khoảng 46,8 Km
- Đường gom dân sinh: Xây dựng dọc tuyến tại các vị trí cần thiết kết hợp với các đường ngang dân sinh đảm bảo kết nối dân sinh hai bên đường cao tốc.
b) Trắc dọc
Thiết kế thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật, tần suất thiết kế và các vị trí khống chế, xem xét giảm trừ chiều cao tăng cường mặt đường giai đoạn hoàn thiện, đảm bảo êm thuận quá trình vận hành xe và giảm thiểu khối lượng, chi phí xây dựng.
- Tuyến chính: Trắc dọc được thiết kế tương ứng với cao độ giai đoạn hoàn chỉnh, tần suất tính toán p=1% đối với các đoạn nền đường đắp và cống, cầu trên tuyến; các đoạn có công trình cầu vượt sông hoặc có bố trí đường chui thiết kế đảm bảo tĩnh không thông thuyền và tĩnh không đường chui theo quy định.
- Tuyến nối: Tần suất tính toán p=4% đối với đoạn nền đường đắp và cống, cầu nhỏ, p=1% đối với cầu lớn, cầu trung.
- Đường gom: Trắc dọc được thiết kế đảm bảo vai đường tối thiểu bằng cao độ mực nước thiết kế H10% (có châm chước) để phù hợp với cao độ khu dân cư lân cận và đảm bảo việc kết nối bình thường giữa khu dân cư với đường gom.
c) Mặt cắt ngang
- Phần đường:
+ Phần đường cao tốc: Giai đoạn hoàn chỉnh đảm bảo quy mô 6-8 làn xe cao tốc. Giai đoạn 1 đảm bảo quy mô phân kỳ 04 làn xe, bề rộng nền đường giai đoạn 1 là Bnền=17m, gồm 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp; Bmặt = 4x3,5m=14,0m, dải phân cách giữa Bpc = 0,5m, dải an toàn ngoài Batn = 2x0,25 = 0,5m, dải an toàn giữa Batg = 2x0,5 = 1,0m và lề đất Blề = 2x0,5m=1,0m. Bố trí các vị trí dừng xe khẩn cấp so le nhau với khoảng cách 5÷6km / 01 vị trí.
+ Tuyến nối Tân Thành - cụm cảng Cái Mép, Thị Vải quy mô đường cấp III đồng bằng, tiêu chuẩn TCVN 4054 - 2005, Bn=17m, Vtk=80 km/h.
- Phần cầu: Giai đoạn 1 xây dựng với quy mô bề rộng cầu từ 17m đến 19,75m. Giai đoạn hoàn chỉnh mở rộng theo quy mô quy hoạch.
d) Kết cấu nền, mặt đường
- Nền đường: Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của dự án; xử lý nền đất yếu đảm bảo ổn định nền đường theo quy định.
- Kết cấu mặt đường: Cấp cao A1, mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc ≥ 180Mpa, lớp mặt bằng bê tông nhựa nóng. Đoạn qua trạm thu phí mặt đường BTXM. Đường ngang, đường gom kết cấu mặt phù hợp lưu lượng và tiêu chuẩn thiết kế.
e) Nút giao (03 nút giao liên thông và 01 nút giao trực thông): Nút giao Biên Hòa (nút giao đầu tuyến) kết nối với QL1A tuyến tránh thành phố Biên Hòa; Nút Long Thành (giao với cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây); Nút giao Tân Hiệp (giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành); Nút giao trực thông với QL51 kết nối với đường vào cụm cảng Cái Mép, Thị Vải.
f) Giao cắt khác: Tại các vị trí đường ngang cắt qua đường cao tốc (gồm các quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện…), để đảm bảo nhu cầu đi lại của dân cư sống hai bên đường cao tốc, bố trí các cầu vượt hoặc cống chui dân sinh kết hợp với việc xây dựng các tuyến đường gom dọc hai bên đường cao tốc. Trong giai đoạn tiếp theo, Tư vấn cần có thỏa thuận cụ thể với địa phương về các vị trí đường ngang, đảm bảo tránh không chia cắt cộng đồng và khai thác phù hợp.
g) Phần cầu: Xây dựng 9 cầu trên tuyến chính, 01 cầu vượt đường sắt Hòa Hưng - Trảng Bom (Km0+721), 11 cầu vượt trong nút giao và 11 cầu vượt đường ngang. Kết cấu phần trên bằng BTCT và BTCT DƯL, bản mặt cầu BTCT; mố trụ cầu BTCT và BTCT DƯL trên hệ móng cọc BTCT; trong bước tiếp theo cần nghiên cứu, luận chứng để đề xuất xây dựng các cầu phù hợp nhu cầu và sự cần thiết, riêng đối với cầu vượt nút giao thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cần thực hiện thỏa thuận với Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam về trách nhiệm đầu tư, quy mô đầu tư, tránh trùng lặp dự án.
h) Phần công trình thoát nước: Xây dựng đầy đủ hệ thống thoát nước ngang và dọc. Bố trí hệ thống cống thoát nước theo yêu cầu đảm bảo khẩu độ thoát nước, tuân thủ quy trình quy phạm.
i) Hệ thống điện chiếu sáng, cảnh quan, cây xanh: Bố trí chiếu sáng tại những khu vực dân cư đông đúc, các nút giao và cầu lớn theo quy định. Các hạng mục cảnh quan, cây xanh và chiếu sáng đô thị do địa phương thực hiện.
j) Các công trình phòng hộ và an toàn giao thông, chống ồn,..: Xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN 5729:2012, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41: 2012/BGTVT và hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014.
7. Dự kiến tổng mức đầu tư: 9.228,793 tỷ đồng
Vốn Nhà nước tham gia: 0 đồng
8. Dự kiến tiến độ, thời hạn thực hiện dự án:
- Dự kiến thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi: Từ tháng 10/2016.
- Dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư: Từ Quý I/2017 đến Quý III/2017.
- Dự kiến thời gian xây dựng: Khoảng 24 tháng
- Dự kiến thời gian đưa vào khai thác: Quý IV/2020
9. Tình hình triển khai thực hiện:
Đang thực hiện lập dự án đầu tư