Trong những năm gần đây, năng lượng mới, năng lượng tái tạo tại Việt Nam được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năng lượng tái tạo đang được thúc đẩy, gia tăng tỷ trọng khai thác và sử dụng trong bối cảnh mục tiêu chung của cả nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến 2020, tầm nhìn 2030, bao gồm cả sản xuất năng lượng nói chung và điện nói riêng, nhằm góp phần thực hiện chủ chương Chính phủ theo tinh thần của Quyết định số 1855/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050.
Một trong các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió được đánh giá là thân thiện nhất với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. So với các nguồn năng khác, khi sử dụng năng lượng gió, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa màu hay tái định cư và họ cũng không phải chịu thêm chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm.
Ngoài ra, năng lượng gió giúp tiết kiệm chi phí truyền tải. Hơn nữa, việc phát triển năng lượng gió cần một lực lượng lao động là các kỹ sư kỹ thuật vận hành và giám sát lớn hơn các loại hình khác, vì vậy giúp tạo thêm nhiều việc làm với kỹ năng cao và sau cùng là năng lượng gió giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng - một điều kiện quan trọng để tránh phụ thuộc vào một hay một số ít nguồn năng lượng chủ yếu, và chính điều này giúp phân tán rủi ro và tăng cường an ninh năng lượng.
Bên cạnh năng lượng gió, năng lượng mặt trời cũng đang được Chính phủ quan tâm - do Việt Nam là nước nhiệt đới, với tổng số giờ nắng, cường độ bức xạ nhiệt cao. Đặc biệt là ở các vùng phía Nam, số giờ nắng khoảng 1.600-2.600 giờ/năm.
Tuy nhiên, dù có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời lớn, nhưng sau một thời gian phát triển, việc khai thác nguồn năng lượng này chưa hiệu quả do chi phí thiết bị còn khá cao và hiệu suất khai thác còn thấp.
Việc nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó phát triển mạnh năng lương gió và năng lượng mặt trời là xu hướng tất yếu của nước ta. Muốn khai thác và sử dụng một cách hiệu quả, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách định hướng và hỗ trợ hợp lý, cụ thể, rõ ràng, toàn diện. Bên cạnh việc cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, Nhà nước cần đỡ đầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào quá trình chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm. Có như vậy, Việt Nam mới có thể đưa ngành này thành một ngành công nghiệp năng lượng mới, tiến tới trọng điểm trong tương lai, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Quan điểm, kinh nghiệm đầu tư điện gió tại Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực bán đảo thấp và phẳng, giáp biển về phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam, với đường bờ biển, các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 km và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km vuông, rộng gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Với thuận lợi về mặt địa hình như vậy và với điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 6 - 7 mét/giây ở độ cao 80 mét (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu) thì tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển tại khu vực này có thể đạt từ 1.200-1.500 MW.
Theo số liệu khảo sát năng lượng gió gần đây của tổ chức thế giới GTZ, thì tại Đồng bằng sông Cửu Long thuộc các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... thì tiềm năng gió ở những vùng ven biển, ngoài khơi rất cao, dễ khai thác và rất thuận lợi cho việc đầu tư các dự án điện gió.
Việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió ở các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những lợi thế sau.
Thứ nhất: Khu vực ven biển các vùng trên có tốc độ gió rất cao, trung bình từ 6,5 đến 7m/s. Những tháng cao điểm lên tới 11m/s và đón được các hướng gió chính, theo biểu đồ dữ liệu đo gió của GTZ, thì các tỉnh trên có tiềm năng phát triển điện gió.
Thứ hai: Về đất đai, các địa phương trên có chiều dài bờ biển, vùng đất bãi bồi, không dân cư sinh sống thuận lợi cho vận chuyển tập kết vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy hiện tại và mở rộng trong tương lai.
Thứ ba: Về hạ tầng, có các đường điện 110kV hiện hữu rất thuận lợi cho việc đấu nối điện của dự án vào lưới điện quốc gia.
Thứ tư: Về lao động, có nguồn lao động dồi dào, thuận lợi cho việc sử dụng để thực hiện dự án.
Theo kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ thì phát triển năng lượng gió đạt 1000MW vào năm 2020 (chiếm 1,5% tổng sản lượng điện quốc gia) và 6.200MW (chiếm 4,5% tổng sản lượng điện quốc gia) vào năm 2030.
Qua thực tế đầu tư Dự án điện gió Bạc Liêu, công suất 99,2 MW, đã lắp dựng thành công 62 trụ tua bin gió trên biển, đang hòa vào điện lưới quốc gia được 400 triệu kWh điện. Là nhà đầu tư và quản lý trực tiếp dự án tôi có một số quan điểm đầu tư trong lĩnh vực này như sau.
Một là: Các dự án điện gió tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, của chính quyền địa phương.
Hai là: Qua khảo sát các địa điểm đầu tư xây dựng dự án điện gió tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các dữ liệu gió thu thập được của các tổ chức thế giới, cũng như số liệu đo gió tại vùng dự án, thì quan điểm tôi nên chọn vị trí xây dựng các tua bin gió trên thềm lục địa ven biển. Tuy suất đầu tư cao hơn so với đầu tư trong đất liền, nhưng quá trình đầu tư xây dựng có những thuận lợi là không ảnh hưởng khu dân cư, và môi trường; Việc giao đất, cấp đất dự án được nhanh chóng; Quá trình vận chuyển tập kết vật tư và thiết bị tua bin gió siêu trường, siêu trọng chủ yếu bằng đường biển cũng thuận lợi, giá thành thấp. Mặt khác, do hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không cho phép vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng.
Ngoài ra, đầu tư ven biển còn thuận lợi cho việc khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản, cải thiện an sinh xã hội tại khu vực dự án sau này.
Ba là: Về công nghệ tua bin gió, nên chọn các tập đoàn cung cấp tua bin nổi tiếng trên thế giới, vì họ có chính sách bảo hành, bảo trì tương đối tốt, có phụ tùng, linh kiện thay thế nhanh trong thời gian bảo hành và vận hành. Nên chọn tua bin có công suất từ 1,6MW- 2,3MW, có chiều dài cánh từ 80,5m - 100m là phù hợp nhất điều kiện gió trong vùng.
Bốn là: Do suất đầu tư cao, các dự án điện gió phải xác định được nguồn vốn cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu, phải tiếp cận nguồn vốn tài trợ nước ngoài có lãi suất thấp.
Dự án điện gió Bạc Liêu tuy được nguồn tài trợ từ US EXIM BANK Hoa Kỳ nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn vẫn còn khó khăn, còn nhiều thủ tục và thời gian thẩm định dài. Hiện tại dự án điện gió Bạc Liêu đang triển khai sử dụng từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn cho vay đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam, do thời gian hoàn vốn dự án dài, rủi ro cao.
Năm là: Các dự án điện gió tại Việt Nam được Chính phủ hỗ trợ giá mua điện theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 7,8Uscents/kWh. Tuy nhiên, giá mua điện trên vẫn còn thấp chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư. Đặc biệt, các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải đầu tư xây dựng trên thềm lục địa ven biển, do đó vẫn chưa khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực trên.
Theo chúng tôi, giá mua điện phải từ 9,8Uscents/kWh trở lên mới thu hút đầu tư và đảm bảo hòa vốn trong 15 năm đầu.
Về cơ chế phát triển điện gió, trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư về năng lượng gió như: chính sách ưu đãi về đất đai, về miễn thuế nhập khẩu thiết bị tua bin gió, mua điện các dự án điện gió với thời hạn 20 năm, hỗ trợ giá mua điện là 7,8UScents/kWh… Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, để khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió ven biển tại Đồng bằng sông Cửu Long cần có một số cơ chế ưu đãi như sau.
Về chính sách thuế
Các dự án điện gió, ngoài việc được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án, còn phải miễn hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, phụ tùng, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án điện gió được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế với thời hạn ưu đãi là 15 năm.
Ngoài được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, dự án điện gió ven biển phải miễn giảm tiền thuê mặt nước biển trong suốt vòng đời dự án.
Ưu đãi về tín dụng đầu tư
Ngoài được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, để khuyến khích phát triển các dự án điện gió cần thiết kéo dài thời hạn vay vốn dự án từ 15 năm lên tối đa 20 năm. Mặt khác, giảm 50% lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành cụ thể khoảng 5%/năm, (lãi suất vay dự án điện gió Bạc Liêu bình quân 10%/năm) hoặc được hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất từ Quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường, các dự án năng lượng tái tạo (trong đó có dự án điện gió).
Về vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư dự án, do các dự án điện gió ven biển có suất đầu tư tương đối cao - để khuyến khích các nhà đầu tư thì vốn chủ sở hữu tham gia ở mức 15% tổng mức đầu tư và đối ứng theo tiến độ đầu tư dự án.
Về cơ chế giá bán điện
Theo quan điểm của chúng tôi, với giá bán điện được hỗ trợ cho các dự án gần bờ hiện tại là 9.8 Uscent/kWh kết hợp các ưu đãi về tín dụng đầu tư của Nhà nước đã đề cập trên thì sẽ đảm bảo cho dự án điện gió đầu tư có hiệu quả và có khả năng thu hồi vốn. Vì nếu Chính phủ tăng giá bán điện sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đầu tư vào lĩnh vực này làm tăng đột biến và Chính phủ phải tăng hỗ trợ cho các nhà đầu tư ngoài nước.
Đối những dự án xa bờ, cách bờ biển khoảng 10 cây số trở lên, giá bán điện phải từ 11 Uscent/kWh mới đảm bảo cho dự án điện gió đầu tư có hiệu quả.
Về cơ chế vay ngoại tệ để thanh toán thiết bị tua bin gió
Vốn đầu tư các thiết bị tua bin gió của dự án rất cao, chiếm khoảng 60% tổng mức đầu tư, trong khi việc vay vốn tín dụng đầu tư thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ thực hiện bằng Việt Nam đồng. Dự án điện gió Bạc Liêu sau khi đầu tư phải mất gần 50 tỷ đồng cho việc mua ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại để thanh toán thiết bị tua bin. Do đó, đề nghị được cho các nhà đầu tư vay vốn ngoại tệ (USD) tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thanh toán thiết bị tua bin gió.