Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng (BQL) hiện được giao quản lý 06 KCN, gồm: Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng. Quy mô tổng diện tích 1.066 hecta với tổng số dự án: 465 ( trong đó, số dự án FDI là 118). Tổng vốn đăng ký đầu tư vào 6 KCN theo thống kê: 1.815 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy 84,01%, thu hút 74.314 lao động (chủ yếu lao động các tỉnh thành miền Trung).
Ông Minh cho biết, TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi Khu công nghiệp An Đồn (Đà Nẵng) thành khu đô thị đồng thời cho phép thành lập 3 KCN mới là Hòa Cầm – giai đoạn 2 ( với quy mô diện tích 125,14 ha), Hòa Nhơn (405,49 ha), Hòa Ninh (400,02 ha).
Toàn cảnh hội nghị
Tổng kết của thành phố Đà Nẵng thời gian qua, giá trị sản xuất công nghiệp không tăng nhiều, thậm chí chưa đạt chỉ tiêu; nguyên nhân là giá trị chỉ tăng trên cơ sở những doanh nghiệp đã có; không có doanh nghiệp đầu tư mới hay năng lực mới. Từ năm 1993 đến 2015 KCN Đà Nẵng không có sự mở rộng, vì thế việc thành lập 3 khu công nghiệp này sẽ có diện tích mới giúp TP thu hút đầu tư công nghiệp, ông Minh nói.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Đà Nẵng tiếp tục nêu lên thực trạng quỹ đất KCN ở Đà Nẵng còn ít, nhỏ lẻ và manh mún. Thời gian sắp tới, BQL Khu Công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng cần tiếp tục rà soát các dự án đã đăng ký vốn nhưng không hiệu quả, lãng phí từ đó đề nghị các biện pháp xử lý mạnh mẽ. Về việc này, ông Hồ Kỳ Minh nói rõ, trước hết khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu hoặc chuyển đổi. Nếu không được thì thành phố sẽ sử dụng biện pháp thu hồi, chuyển đổi cho các doanh nghiệp khác có năng lực tốt hơn đầu tư.
Trong năm 2018, TP tiếp tục đề án di dời Khu công nghiệp Đà Nẵng ( đã được Thủ tướng cho phép như nói trên), Phó Chủ tịch Thành phố đề nghị BQL Khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục phối hợp các sở ban ngành lập đề án di dời. Theo ông Minh, ở đây hiện có cả doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp chỉ đóng trụ sở, làm dịch vụ nên cần một đề án phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu quy hoạch chung, nhu cầu quy hoạch công nghiệp của Đà Nẵng. Việc di dời KCN sẽ được tiến hành từ vị trí giữa trung tâm thành phố hiện tại về các KCN mới.
BQL KCN đã đề nghị UBND TP cấp vốn triển khai đền bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư cho 2 KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và Hòa Nhơn. Về điều này, ông Minh cho biết: Trước mắt đề nghị BQL phối hợp Sở Xây dựng bám sát Bộ Xây dựng để sớm có ý kiến về điều chỉnh quy hoạch chung vì muốn triển khai KCN, thì phải điều chỉnh quy hoạch KCN vào KCN chung, thứ hai là phối hợp trung tâm quỹ đất xây dựng đề án phương án đền bù giải tỏa. Trong năm 2018, ông Minh đề nghị tiến hành ở Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 trước vì quy mô KCN này vừa gọn, không lớn và không vướng nhiều nhà dân. Theo ông, nên tập trung làm Hòa Cầm giai đoạn 2 trong năm nay, rồi tiếp tục thực hiện KCN mới Hòa Nhơn vào năm 2019.
Ngoài ra, bên cạnh thẩm quyền đã được ủy quyền về quản lý lao động nước ngoài, Đà Nẵng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (BQL Khu công nghiệp phối hợp tham mưu Sở) lập đề xuất lên UBND TP xin ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường về ủy quyền cho BQL thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại 6 KCN trên địa bàn thành phố theo quy định tại Thông tư 27/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện TP Đà Nẵng đang lên lộ trình cho chuyển đổi Khu Công nghiệp Hòa Khánh thành KCN sinh thái, ông Minh cho biết tại buổi làm việc chiều ngày 16/1. So với điều kiện cách đây 20 năm thì hiện tại KCN Hòa Khánh đã nằm giữa các khu đô thị của quận Liên Chiểu, việc chuyển đổi thành KCN sinh thái là phù hợp lộ trình như các nước trên thế giới trong quá trình phát triển, ông Minh nói. Theo đó, sẽ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong KCN chuyển đổi ngành nghề, đặc biệt ngành cán, luyện thép…Công việc này đã được triển khai và sẽ được báo cáo lên UBND TP xem xét, quyết định trước ngày 30/4/2018.