Sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). GDP đầu người tăng 2,5 lần, đạt trên 2.500 USD năm 2018.
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn có nhiều điểm sáng, dù vẫn có dấu hiệu điều chỉnh giảm tăng trưởng theo chu kỳ. Sau khi chạm đỉnh ở mốc 7,1% năm 2018, tăng trưởng GDP thực được dự báo giảm nhẹ trong năm 2019, do sức cầu bên ngoài giảm và do duy trì thắt chặt chính sách tín dụng và tài khóa. Tăng trưởng GDP thực được dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, xoay quanh mức 6,5% trong các năm 2020 và 2021. Tỉ lệ lạm phát vẫn tiếp tục ổn định ở mức một con số trong vòng bảy năm liên tiếp, thấp hơn hoặc tiệm cận mức 4% trong những năm gần đây. Cán cân đối ngoại vẫn trong vòng kiểm soát và tiếp tục được hỗ trợ bằng nguồn vốn FDI dồi dào lên tới gần 18 tỉ USD trong năm 2019, chiếm gần 24% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Việt Nam đang chứng kiến thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội. Sau nhiều năm tăng trưởng, dân số Việt Nam đã lên đến khoảng 97 triệu vào năm 2018 (từ khoảng 60 triệu năm 1986) và dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân, trước khi giảm dần vào năm 2050. Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 76 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương. Nhưng dân số đang bị già hóa nhanh. Tầng lớp trung lưu đang hình thành – hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026.
Chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai ở ASEAN, chỉ sau Sing-ga-po. Một em bé Việt Nam được sinh ra ở thời điểm hiện nay khi lớn lên sẽ đạt mức năng suất bằng 67% nếu đứa trẻ đó được học tập và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Việt Nam là quốc gia có Chỉ số Vốn con người cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa các địa phương, đặc biệt là ở nhóm dân tộc thiểu số. Đồng thời Việt Nam cũng cần nâng cao trình độ lực lượng lao động để tạo ra các công việc có năng suất cao hơn ở quy mô lớn trong tương lai.
Trong vòng 30 năm qua, việc cung cấp dịch vụ cơ bản cải thiện rõ rệt. Tiếp cận tới dịch vụ cơ sở hạ tầng ở các hộ gia đình tăng nhanh chóng. Trong năm 2016, 99% dân số sử dụng điện làm nguồn thắp sáng chính, so với 14% năm 1993. Cơ hội tiếp cận nước sạch ở nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 70% năm 2016. Cơ hội tiếp cận những dịch vụ trên ở các đô thị đạt trên 95%.
Giáo dục phổ thông ở Việt Nam tương đối tốt. Tỉ lệ phổ cập giáo dục và kết quả đầu ra cấp tiểu học ở mức cao và đồng đều, thể hiện ở kết quả ấn tượng trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2012 và 2015, theo đó thành tích của học sinh Việt Nam vượt xa nhiều quốc gia OECD. Y tế cũng đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Từ năm 1990 đến 2015, tỷ suất tử vong mẹ giảm từ 139 xuống 54 trên 100.000 trẻ sinh sống và tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 44 xuống còn 16,7 trên 1.000 trẻ sống. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73 - cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới - 87% dân số có bảo hiểm y tế xã hội.
Tuy nhiên, tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tổng tiêu thụ năng lượng tăng gấp ba lần trong vòng mười năm qua, tăng nhanh hơn mức tăng sản lượng. Cường độ sử dụng năng lượng trong GDP tiếp tục tăng đều. Nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới. Tình trạng khai thác thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên như cát, thủy sản và gỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng phát triển trong tương lai và dài hạn. Bên cạnh đó, đại đa số người dân và nền kinh tế Việt Nam đều dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng dân số mạnh mẽ đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn về quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm. Lượng rác thải của Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Bên cạnh đó là vấn đề rác thải nhựa đại dương. Theo ước tính, 90% rác thải nhựa đại dương toàn cầu được thải ra từ 10 con sông, trong đó có sông Mê Kông. Việt Nam cũng là một trong mười quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí. Ô nhiễm nguồn nước đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với năng suất của các ngành quan trọng và với sức khỏe của người dân.
Chính phủ nhận thức được cần phải giảm tác động của tăng trưởng đối với môi trường, nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, đồng thời giải quyết những thách thức này cũng tạo ra cơ hội đóng góp cho tăng trưởng. Các chiến lược và kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên đã được áp dụng. Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đối phó với thời tiết khắc nghiệt và thiên tai thông qua việc triển khai chương trình Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDCs). Chính phủ cũng đang nghiêm túc đánh giá cách thức đối phó khẩn cấp các vấn đề ô nhiễm nguồn nước và không khí, rác thải nhựa đại dương và quản lý rác thải rắn.