Từ năm 2004, TP.HCM quy hoạch xây dựng 5 bãi đậu xe ngầm tại Sân vận động Hoa Lư, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng và Nhà hát Thành phố. Các chủ đầu tư gồm Công ty IDICO, Công ty Đông Dương, Công ty TTC, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm. Đến nay, hầu hết các chủ đầu tư bỏ cuộc, trả lại dự án cho Thành phố, chỉ duy nhất Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám được động thổ vào năm 2010, nhưng động thổ xong thì bỏ đó.
Trong số 5 dự án trên, Dự án bãi đậu xe ngầm tại Sân vận động Hoa Lư do Công ty Đông Dương làm chủ đầu tư, nhưng vào năm 2014, công ty này trả lại Thành phố. Đến cuối năm 2015, Thành phố giao cho Vingroup thực hiện dự án. Theo quy hoạch, dự án này rộng 24.000 m2, gồm 5 tầng hầm, trong đó 3 tầng hoạt động thương mại, 2 tầng còn lại đậu xe bán tự động. Tổng sức chứa 2.500 ô tô và gần 3.000 xe máy. Dự án cũng sẽ xây dựng sân vận động, đường chạy, khán đài, trường năng khiếu thể dục thể thao... số vốn thực hiện dự án là 3.400 tỷ đồng. Lý do mà Công ty Đông Dương trả lại dự án vì không đủ sức thực hiện.
Hàng dài xe đậu ở khu đất dự kiến làm bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: Gia Huy
Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Tao Đàn ban đầu được giao cho liên doanh 3 nhà đầu tư do TTC làm chủ, nhưng khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư này lại đem dự án phân lô bán nền và không thực hiện. Sau đó, dự án được chuyển cho Công ty IDICO, nhưng cũng thất bại. Đến lượt Công ty Phát triển đô thị Hà Nội nhận dự án, nhưng cũng không thể thực hiện được. Cuối cùng lại giao vào tay Công ty Đông Dương, một chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nổi dự án cũ mà mình được giao. Tới thời điểm này, dự án đã vào tay Vingroup.
Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám là dự án duy nhất đã động thổ, nhưng chưa triển khai, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư. Còn nhớ, năm ngoái, phóng viên Báo Đầu tư đã có buổi làm việc với ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm, về việc bao giờ sẽ thực hiện dự án, ông Tuấn cho biết sẽ thực hiện xây dựng án vào cuối năm 2015, nhưng tới nay đã là tháng 6/2016 mà dự án vẫn im lìm.
Trong khi đó, đi qua Công viên Lê Văn Tám, cảnh tượng từng đoàn xe ô tô, xe gắn máy xếp hàng dài đậu ở lòng đường vì không có bãi đậu xe diễn ra thường xuyên. Các bãi đậu xe tự phát mọc lên dày đặc, giá gửi xe ô tô tại đây dao động từ 1,5 tới 2 triệu đồng/xe/tháng.
Trao đổi với ông Lê Tuấn về việc vì sao tới nay dự án bãi đậu xe ngầm của công ty ông chưa thực hiện, liệu công ty có ý định trả lại dự án cho Thành phố như 4 dự án khác hay không. Ông Tuấn cho biết, công ty ông vẫn quyết tâm làm dự án này, tuy nhiên đang gặp quá nhiều khó khăn về thủ tục.
Theo trình bày của ông Tuấn thì năm 2009, khi dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám được chấp thuận đầu tư và ký hợp đồng BOT, khi làm thiết kế phòng cháy chữa cháy xong thì năm 2011 Luật Phòng cháy chữa cháy thay đổi. Vậy là dự án cũng phải thay đổi lại thiết kế phòng cháy chữa cháy theo luật mới.
“Hợp đồng thiết kế được sửa lại và hoàn tất theo Luật Phòng cháy chữa cháy từ ngày 20/12/2012, sau đó Công ty trình lên UBND TP.HCM, nhưng mãi tới ngày 27/5/2014 UBND TP.HCM mới chấp nhận phê duyệt bản thay đổi thiết kế phòng cháy chữa cháy của dự án. Sau khi hợp đồng BOT được thương thảo lần đầu tiên ngày 28/3/2013 và UBND TP phê duyệt nội dung thương thảo ngày 21/7/2014, sau đó hoàn tất thương thảo lần hai ngày 28/2/2016. Quy trình tiếp theo là ký hợp đồng BOT, nhưng tới nay công ty tôi vẫn chưa có chữ ký chấp nhận BOT thì làm sao có thể thực hiện được dự án”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, sau 6 năm động thổ dự án để “lấy ngày”, thì từ vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 1.748 tỷ đồng, tới nay đã lên tới 4.200 tỷ đồng, tăng gần 2.600 tỷ đồng. Lý do đội vốn vì qua thời gian, giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng… Chưa kể, công ty đã mất khá nhiều tiền để thực hiện bước đầu dự án, nhưng rồi lại bị bắt làm lại thủ tục. Tóm lại, chỉ chủ đầu tư là thiệt hại mà không biết kêu ai.
Qua giải thích của ông Tuấn, có thể thấy dự án này vẫn phải chờ khá lâu mới có thể thực hiện được. Đối với hai dự án bãi đậu xe ngầm khác tại Sân vận động Hoa Lư và Công viên Tao Đàn, khi Thành phố giao cho Vingroup làm chủ đầu tư có thay đổi lại thiết kế ban đầu, đó là cả hai dự án bãi xe ngầm này được làm nổi một tầng mặt. Đây là thay đổi lớn nhất trong thiết kế từ trước tới nay của các bãi đậu xe ngầm, và khi được làm thêm một tầng nổi thì rất có lợi cho nhà đầu tư. Theo ông Lê Tuấn, nếu sự thay đổi này có từ trước thì các dự án đã xong rất lâu, bởi tầng nổi làm trung tâm thương mại mới có lời, chứ chủ đầu tư làm bãi đậu xe ngầm bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để thu “bạc cắc” gửi xe thì chưa biết khi nào hòa vốn.