Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế. Ông là người sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải. Ngoài ra ông còn được biết đến tới tư cách Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh. Ông Trần Bá Dương được Forbes công nhận sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm những thông tin về ông nhé!
Trần Bá Dương
Ông Trần Bá Dương
Chủ tịch HĐQT THACO Group
Ngày tháng năm sinh : 01/04/1960
Nơi sinh : Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Quốc tịch : Việt Nam
Trình độ văn hóa : Kỹ sư cơ khí – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM – VN
Quá trình công tác
2016 – Nay: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải
Chủ tịch Hội đồng Quản trị & Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh
2013 – 2016: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh
2007 – 2013: Chủ tịch Hội đồng Quản trị & Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải.
Ông Trần Bá Dương: ‘Nhiều người lo tôi chết chìm theo Bầu Đức’
Chủ tịch Thaco nói quyết định rót một tỷ USD cứu “con tàu đắm” Hoàng Anh Gia Lai cách đây một năm từng khiến ông bị cảnh báo nguy hiểm.
Tại lễ kỷ niệm một năm rót vốn vào Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nhớ lại, một ngày đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức bất ngờ gọi điện mời mua cổ phiếu nhưng khi đó ông không quan tâm đến chứng khoán. Sau đó, ông Đức gửi tiếp một bức thư tay kể về khó khăn chồng chất, làm nông nghiệp thiếu tiền nhưng ngân hàng không cho vay và khẩn thiết nói chỉ có “đầu kéo tầm cỡ như Thaco” mới đủ sức vực dậy công ty mình. Tâm thư của ông Đức bộc bạch rằng, nếu cứu được HAGL, không chừng còn gây dựng nên một đế chế nông nghiệp “vô tiền khoáng hậu” cho Việt Nam.
Đọc lá thư này, ông Dương thay đổi suy nghĩ khi nhớ tới Bầu Đức được tiếng là người xưa nay tâm huyết làm ăn, nói thật làm thật. Từ lúc đó, ông chủ Thaco trực tiếp đi khảo sát thực tế và nảy nở nhiều cảm xúc khi thăm các nông trường bạt ngàn của HAGL. “Tôi đồng ý hỗ trợ Bầu Đức. Cái khó của anh Đức là gánh khoản nợ quá lớn. Tôi bàn với anh xử lý nợ, rồi cùng mở rộng sản xuất”, ông Dương nói.
Ngày 8/8/2018, Thaco đã bắt tay thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với HAGL, đầu tư vào 2 công ty là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) và HAGL Myanmar.
Ông Trần Bá Dương (bên phải) cùng ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại buổi kỷ niệm một năm Thaco đầu tư vào HAGL.
Ông Trần Bá Dương (bên phải) cùng ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại buổi kỷ niệm một năm Thaco đầu tư vào HAGL.
Thông qua Hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi HNG chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoản nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sở hữu 35% HNG. Đại Quang Minh (một công ty thành viên của Thaco) cũng đầu tư sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar. Đồng thời, Thaco chịu trách nhiệm chính đối với dự án này, đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 đang bị chậm trễ. Thaco cũng hỗ trợ HAGL về tài chính để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư thực hiện chiến lược phát triển bền vững với tổng số tiền dự kiến lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (gần một tỷ USD).
Nhìn lại một năm rót vốn vào HNG, ông Dương thừa nhận, đây là cuộc “hôn phối” đầy thách thức. Ban đầu ông chỉ định rót một tỷ USD, nhưng thực tế không chỉ dừng lại ở đó, cuộc giải cứu sẽ kéo dài. Hiện giờ, tổng số vốn rót vào nhiều khả năng vượt qua con số tỷ USD.
“Ngày đó nhiều người từng hỏi tôi lỡ cứu HAGL mà chết chìm theo thì làm sao? Ngược lại tôi thấy hợp tác này là cơ duyên và có thể biến nó thành cơ hội”, ông Dương tâm sự.
Người đứng đầu Thaco phân tích, sự nghiệt ngã của nông nghiệp là đến lúc cây cần bón phân mà không bón kịp thì cây chết, hỏng hết. Đến lúc trả lương công nhân mà không có thì họ nghỉ sạch. Rất nhiều rủi ro khác nữa, chẳng hạn như liệu có bơm đủ và kịp vốn vào đúng lúc cần không, liệu có xử lý kịp cục nợ quá lớn hoặc là có đủ khả năng tổ chức sản xuất, trồng mới cây ăn trái tới đâu… Nhưng cuối cùng mọi thách thức đều đã vượt qua.
Ông Dương cho biết, đến nay HAGL đã thật sự thoát nguy hiểm. Đóng góp kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của HNG ước khoảng 200 triệu USD. Năm 2020 gần như cầm chắc sẽ đạt 500 triệu USD và có thể tiến đến ngưỡng tỷ USD trong những năm kế tiếp.
Còn ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định, cú bắt tay giữa HAGL và Thaco là thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam đối với 2 doanh nghiệp trong nước.
Bầu Đức giải thích, HAGL có tổng tài sản lên đến 53.000 tỷ đồng, đã hoạt động trên 25 năm với ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ lực hiện nay là nông nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia với tổng diện tích trên 80.000 ha. Cùng với dự án khu phức hợp tại Yangon – Myanmar, tập đoàn có nguồn lực rất lớn và đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, do giá cao su giảm mạnh, công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong bối cảnh đó, HAGL đã cùng Thaco đã bắt tay thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm tận dụng và khai thác các thế mạnh của mỗi bên.
Khi việc hợp tác mới khởi động, đã có nhiều người hoài nghi về mối quan hệ và những cam kết này. Song, kết quả sau một năm cho thấy cái bắt tay tỷ đô này là tất yếu và đang đi đúng hướng.
Ngoài hỗ trợ tài chính, quy hoạch thủy lợi, giải pháp cơ giới hóa sản xuất trồng, chăm sóc và thu hoạch, Thaco còn đầu tư mạnh về logistics và phân phối trong hợp tác này. Tại Chu Lai, ông Dương đã cho phát triển chuỗi dịch vụ vận tải nông nghiệp chuyên dụng phục vụ xuất khẩu trái cây, gồm: vận chuyển vật tư nông nghiệp cung cấp cho các vùng trồng; vận chuyển đường bộ trái cây và nông sản từ Lào, Campuchia, Tây Nguyên về cảng Chu Lai và cảng Cát Lái (TP HCM); cung ứng hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây và bãi container lạnh; vận chuyển đường biển phục vụ xuất khẩu.
Về quản trị, với vai trò là cổ đông lớn nắm 35% cổ phần, Thaco đã hỗ trợ HNG tái cấu trúc toàn diện, bổ sung nhân sự lãnh đạo vào Hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc HNG để cùng tham gia điều hành.
Bầu Đức cho biết, việc hợp tác tốt đẹp trong năm qua giữa hai doanh nghiệp đã giúp HNG thoát khỏi tình huống “nghìn cân treo sợi tóc”, đồng thời bước vào giai đoạn phát triển mới ổn định hơn. Sự hợp tác này không chỉ vực dậy Tập đoàn HAGL trong giai đoạn khó khăn, duy trì được công ăn việc làm ổn định cho hơn 30.000 lao động mà còn tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar trong tương lai.
Doanh nhân Trần Bá Dương: Để đi xa hơn, đừng ngại đi cùng nhau
Những sẻ chia của Doanh nhân Trần Bá Dương
“Tôi nói với anh em trong Công ty là sẽ tiếp tục chọn dòng xe Kia để phát triển dịch vụ taxi, chứ không phải thương hiệu nào khác. Điều này không chỉ bởi ân tình của ông Trần Bá Dương, mà còn là bởi Kia ngày càng có những mẫu xe đa dạng, giá hấp dẫn và tiết kiệm nhiên liệu”. Ông Nguyễn Tuấn Mùi, Giám đốc Công ty Taxi Sài Gòn, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Taxi Việt chia sẻ như vậy khi nán lại cuối cùng, để chúc mừng vị thuyền trưởng của Thaco trong lễ ra mắt xe Kia Soluto giữa tháng trước.
Sau nhiều năm tham gia gầy dựng tại Mai Linh, năm 2010, ông Mùi quyết tâm khởi nghiệp riêng trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển. “Ban đầu đầy khó khăn, vốn ít mà cần phải có số xe nhất định, trong khi đối tác cùng làm lúc đó có trục trặc khiến tôi lúng túng. Khi biết chuyện, ông Dương đã đồng ý cho tôi nợ tiền mua xe với con số không nhỏ. Bàn tay được chìa ra khi khó khăn đã giúp tôi đứng vững ngay từ ban đầu. Không những vậy, cả quá trình phát triển sau này, ông Dương vẫn để tâm, góp ý xác đáng về đường hướng phát triển cũng như trợ giúp mỗi khi Công ty mua xe loạt lớn”, ông Mùi kể.
Bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ với nghề vận chuyển bằng taxi, sau gần 10 năm chăm chỉ, việc kinh doanh của ông Mùi đã ổn định với hơn ngàn xe ở khu vực Đông Nam Bộ.
Từng cho biết, “nếu gắn được chữ tình vào trong mỗi quyết định kinh doanh, gắn được trách nhiệm cộng đồng vào mỗi bước đi sẽ luôn tìm ra một lối đi tươi sáng”, nên ông Mùi rất trân trọng chữ tình mà ông Dương đã dành cho mình trong lúc khó khăn trên chặng đường lập nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, giúp đỡ được con em của đồng đội ngày xưa và có nhiều điều kiện hơn để làm từ thiện.
Ít phút ngồi riêng của 2 doanh nhân những tưởng chỉ đủ để ông Mùi nói lời chúc mừng tới ông Dương và Thaco. Nhưng ông Dương kịp tranh thủ thời gian chia sẻ góc nhìn của mình về xu hướng sắp tới trong ngành dịch vụ vận chuyển, để bạn làm ăn suy ngẫm hướng hoạt động khi cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Làm công nghiệp đòi hỏi có khát vọng lớn ngay từ đầu, có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi. Nếu cứ vừa làm vừa nghĩ mở đến đâu thì tôi đâu có ra Chu Lai, ở Biên Hòa là quá đủ.
Sẻ chia, giúp nhau hướng về một tương lai tốt hơn luôn được ông Dương tâm niệm trong nghiệp kinh doanh của mình.
Khởi nghiệp ở ngành cơ khí chế tạo vốn đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật nhất định, nhưng sự đam mê và nỗ lực không mệt mỏi đã giúp “anh thợ sửa xe có bằng đại học” năm xưa lập doanh nghiệp riêng cho mình và đi được rất xa trong lĩnh vực này.
Bởi vậy, ông Dương hơn ai hết thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, nhất là cơ khí vì “làm công nghiệp thực sự rất vất vả, không có chuyện nay thấy hay thế này thì làm, mai thấy hay hơn thì làm theo cách đó, bởi đi kiểu đó chỉ có nước chết”.
Không ngại ngần bộc bạch trước lãnh đạo Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cơ khí sự “trân trọng tất cả những ai đam mê ngành cơ khí, có năng khiếu tham gia ngành này”, ông Dương đã thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu để làm bệ đỡ cho những người có chung đam mê về cơ khí chế tạo, để họ đi được lâu dài.
Nhà máy máy nông nghiệp công suất 3.000 máy/năm hay các công ty: Cơ khí và Giải pháp nông – lâm nghiệp, Cơ khí Xây dựng, Thiết bị công nghiệp được hình thành thông qua hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác có kinh nghiệm, năng lực để hợp tác sản xuất, kinh doanh, nhận chuyển giao công nghệ, mua sáng chế của nông dân, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển sản phẩm…
Cứu người cũng là giúp mình
Khi cuộc hôn nhân của Thaco và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới khởi động, nhiều người đã hoài nghi về mối quan hệ và những cam kết này bởi cho rằng, phần lợi nghiêng về Thaco.
Là người khai mở, quy tụ được tới 80.000 ha đất không chỉ ở Việt Nam và cũng đã trải qua 25 năm hoạt động trên thương trường, hơn ai hết, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức hiểu rõ nhất tình thế của mình.
Ở thời điểm đầu năm 2018, mặc dù đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, đồng thời Công ty cũng đã nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng giảm nợ, nhưng tổng dư nợ vay của HAGL vẫn còn khoảng 23.000 tỷ đồng, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn.
Đi tìm người “cứu mình”, nhưng ông Đức rất thẳng thắn khẳng định, đó phải là người có tiền tươi và biết làm ăn công nghiệp ở quy mô lớn, chứ không hề tìm tới những doanh nghiệp bất động sản thuần tuý.
Sau 1 năm hợp tác, Thaco đã đầu tư vào HNG thuộc HAGL thông qua việc mua 35% vốn với số tiền 3.949 tỷ đồng; cho vay 2.464 tỷ đồng. Công ty THADI do Thaco thành lập đã mua cổ phần 3 công ty con của HNG, sở hữu 23.100 ha đất với số tiền là 7.626 tỷ đồng, đồng thời đã nhận nợ vay 2.500 tỷ đồng và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ đồng. Công ty Đại Quang Minh góp 65% vốn theo thỏa thuận, sẽ ứng mua tiếp 35% đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn II là 8.155 tỷ đồng.
Số “tiền tươi” mà Thaco đã bỏ ra đầu tư lên tới 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) đúng như kế hoạch hợp tác được công bố cách đây 1 năm đã giúp HAGL cơ bản ổn định dòng tiền.
Ông Đức không giấu nổi vui mừng khi cho phóng viên Báo Đầu tư hay, chỉ sau 1 năm hợp tác, HNG đã thực sự thoát khỏi tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, nợ ngân hàng của HAGL đã giảm được 50% và chỉ trong 1-2 năm nữa là ông lại khoẻ re.
Ít người nhận thấy sự khác biệt từ vị doanh nhân có biệt danh “phủi và thẳng” chuyên đời mặc quần kaki ở bất cứ sự kiện nào. Tại lễ kỷ niệm 1 năm ngày hợp tác, ông Đức đã chọn chiếc quần âu chất nhung lịch lãm lên cùng chiếc áo vest.
Ở chiều ngược lại, khi quyết định bỏ tiền để giữ lại trong tay doanh nghiệp Việt những diện tích đất có vị trí đặc biệt quan trọng quanh tam giác Việt Nam – Lào – Campuchia , ông Dương có lẽ cũng nhận ra “cứu người cũng là giúp mình”.
Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi với diện tích khai thác là 80.000 ha đất được tập trung, ngoài cơ hội phát triển nông nghiệp ở quy mô lớn, đây sẽ là nơi ông Dương thi triển những dự định của mình về cơ khí nông nghiệp quy mô lớn, phát triển tiếp chính ngành cơ khí ông đam mê.
“Chúng tôi tiếp tục đầu tư trung tâm nghiên cứu ứng dụng và xưởng cơ khí tại nông trường, qua đó nghiên cứu giải pháp để chế tạo các thiết bị, nông cụ chuyên dụng và tiến đến cơ giới hóa toàn bộ trong hoạt động canh tác trồng trọt của HAGL”, ông Dương nói.
Với nền tảng sẵn có là Khu phức hợp Cơ khí và Ô tô Chu Lai – Trường Hải, Thaco đang xúc tiến hình thành Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung. Sản phẩm đầu ra sẽ không chỉ là các máy móc cơ khí phục vụ canh tác, cơ giới hoá ở khâu trồng trọt mà là các sản phẩm cơ khí hóa trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của HAGL với sự có mặt của Thaco sẽ thêm giá trị mới.
Từ chỗ dựa vào ô tô và phát triển cơ khí, Thaco đang chuyển mình, mở rộng hoạt động sang cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí máy công nghiệp. Hướng đi này cũng vô cùng thuận lợi nếu xét trên cơ sở vật chất mà Thaco đã đầu tư bấy lâu cho ngành cơ khí tại Chu Lai.
“Để được quy mô như ngày nay, chúng tôi phải rất quyết liệt và có tầm nhìn. Làm công nghiệp đòi hỏi có khát vọng lớn ngay từ đầu, có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi. Nếu cứ vừa làm vừa nghĩ mở đến đâu thì tôi đâu có ra Chu Lai, ở Biên Hòa là quá đủ”, ông Dương chia sẻ.
Trên chặng đường mới, với kinh nghiệm trong giao thương kinh tế, ông Dương mong Thaco sẽ là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cùng với các doanh nghiệp của ông.
“Tôi quan niệm không phân biệt đối tác lớn, nhỏ, mà sử dụng triệt để sở trường của họ. Đất nước cho tôi cơ hội phát triển, tôi phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Việt phát triển theo, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Nếu người ta chưa đạt, tôi sẽ giúp đưa cho họ tiêu chuẩn, tiêu chí để họ hoàn thiện”, ông Dương nói.
Chia sẻ sau 1 năm hợp tác với Thaco, ông Đức cũng rất thẳng thắn và công khai cho rằng, từ nhận thức của một người đi qua nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh, tôi nhận thấy bên cạnh ý chí và nỗ lực, mình vẫn cần phải có được những người đồng hành tin cậy.
“Thaco và HAGL đã đến với nhau, đã và đang hợp tác hết sức tốt đẹp và trách nhiệm. Chúng tôi cùng ghi nhận sâu sắc rằng, đây là một trong những hình mẫu tiêu biểu của việc dung hòa các lợi ích, thúc đẩy tiềm lực của mỗi bên để tạo ra giá trị vững bền”, ông Đức nói.
“Cuộc đời kinh doanh cũng nhiều nghiệt ngã, nếu thiếu 1% may mắn thì cũng không thành công. Nhưng may mắn không bao giờ đến hoài và may mắn không bao giờ là 99%. May mắn chỉ có 1% để tạo nên thành công, còn 99% là lao động mồ hôi và nước mắt.
Tôi khẳng định, không có tiền thì không kinh doanh được. Quan điểm của tôi là anh có ý tưởng, ý chí, quyết tâm, kế hoạch mà khi bắt đầu chưa có tiền thì hãy tìm người có tiền, có kinh nghiệm quản trị để cùng làm. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc liên doanh, liên kết các sức mạnh với nhau là hướng đi thông minh và nhiều khả năng thành công”.- Doanh nhân Trần Bá Dương
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương và nguyên tắc quản trị 8 chữ T
Trong bối cảnh nhiều thương hiệu Việt đình đám đang mất dần sức chiến đấu, chọn phương án bán thương hiệu để bảo toàn đồng vốn, thiếu những doanh nhân dẫn đầu đủ mạnh cả về tài lẫn đức trong tất cả các ngành nghề, để tạo dựng niềm tin cho nhiều thế hệ, tâm huyết của ông Trần Bá Dương với ngành ô tô và bất động sản quả thực là một điểm sáng hiếm hoi.
Đại Quang Minh: Biến “giấc mơ phố Đông” thành hiện thực sau một thập kỷ trầm luân
Hơn 20 năm dài Thủ Thiêm không thể bật sáng dù UBND TP. HCM đã rất nỗ lực và quyết tâm để quy hoạch và giải tỏa, đền bù, để có một vùng đất sạch mời gọi các nhà đầu tư. Có lúc, thành phố tưởng chừng đã tuyệt vọng với khoản nợ 13.000 tỉ đồng và khoản lãi phát sinh phải trả gần 3 tỉ đồng mỗi ngày. Lúc ấy, chỉ còn trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực lớn và kinh nghiệm xây dựng đô thị trên nền đất yếu nhưng vẫn biệt vô âm tín.
Công ty Đại Quang Minh do nhà đầu tư trong nước thực hiện đã góp phần lớn vào sự khởi sắc vùng đất này bao gồm: 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, khu lâm viên sinh thái và khu đô thị SaLa.
Khởi công vào đúng lúc thị trường bất động sản đóng băng, để có thể thực hiện đúng tiến độ với sức đầu tư lớn cả về kỹ thuật, con người, tiền của, Đại Quang Minh đã bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường huyết mạch, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT, hơn 7.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho khu đô thị mới này.
Lúc đó, nhiều người cho rằng ông bị điên! Vốn quen thuộc với vai trò Chủ tịch THACO, được mệnh danh là ông vua ô tô, khi bước sang lĩnh vực bất động sản, lại chọn “khúc xương khó nhất”, vào đúng thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, dự án Sala đã khiến ông hao tâm, tổn sức lớn nhất. “Là tân binh trên thị trường, nhưng chúng tôi quyết tâm xây dựng khu đô thị có quy mô lớn, kiểu mẫu tại TP. HCM”. Và ông đã làm được đúng như lời mình nói.
Kỹ thuật xây dựng hệ thống bốn tuyến đường chính áp dụng công nghệ tiên tiến cọc đất gia cố xi măng và bấc thấm hút chân không trong xử lý nền đất yếu tại Thủ Thiêm. Cao trình xây dựng 3,4 – 3,8 m trên mực nước biển, bảo đảm chống ngập trong 100 năm tới. So với kỹ thuật hạ tầng của vùng đầm lầy Phú Mỹ Hưng, kỹ thuật của Đại Quang Minh có ưu thế khác biệt hơn.
Bốn tuyến đường chính này đã tạo ra sự thay đổi lớn hơn nhiều, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối tốt hơn với khu trung tâm cả bờ Đông và bờ Tây, tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội cho Thủ Thiêm và TP.HCM. Có thể nói Đại Quang Minh đang giữ vai trò đầu tàu tại Thủ Thiêm, giúp thành phố giải quyết món nợ 20 năm đang đè nặng lên vai người dân.
Khu đô thị Sala được quy hoạch với tầng cao trung bình 20 tầng nhưng ít bê tông hóa hơn, nghĩa là có nhiều diện tích xanh hơn để thẩm thấu nước vào đất hơn, phát triển tầng cao theo nguyên tắc tôn trọng tự nhiên.
Đồng thời vẫn giữ 150,25 ha cho vùng châu thổ phía Nam, đây là vùng sinh thái ngập nước rộng lớn phía Nam của bán đảo Thủ Thiêm, giáp với sông Sài Gòn, là lá phổi xanh giữa trung tâm thành phố, đóng góp rất lớn cho bảo tồn môi trường tự nhiên, có vai trò hạn chế khả năng ngập lụt, cân bằng hệ sinh thái.
Trong đó, khu Lâm viên sinh thái có vai trò giữ gìn môi trường, cải thiện chất lượng sống, trở thành điểm du lịch sinh thái mang tầm khu vực với viện nghiên cứu, resort sinh thái và công viên giải trí quy mô.
Chiến lược của Đại Quang Minh là tấn công tổng lực, hàng loạt công trình được đồng loạt triển khai như đã cam kết và cần rất nhiều sự hiểu biết về kỹ thuật, mỹ thuật, quản trị tổng lực và chi tiết, nhưng cách đi của ông Trần Bá Dương là dám đi đầu là huy động toàn bộ các nhà thầu Việt Nam và chỉ có nhà thầu Việt Nam tham gia vào dự án này, hoàn toàn khác với các dự án lớn khác là dựa vào nhà thầu nước ngoài.
“Tôi quan niệm không phân biệt đối tác lớn nhỏ mà sử dụng triệt để sở trường của họ. Đại Quang Minh có những nhà thầu lớn, những công trình, hạng mục nhỏ tôi thuê các công ty nhỏ làm. Đất nước cho mình cơ hội phát triển thì mình phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo, nhất là giúp cho các doanh nghiệp nhỏ. Nếu người ta chưa đạt, mình phải giúp đưa cho họ tiêu chuẩn tiêu chí để họ hoàn thiện.
Khi Đại Quang Minh chưa có uy tín trên thương trường mà dựa vào các thương hiệu nước ngoài về thiết bị vật tư nên khi anh Trình – Giám đốc Marketing đưa những thương hiệu nước ngoài vào Đại Quang Minh, tôi đau lắm. Tôi nói phải làm sao đạt được uy tín khách hàng tin để đưa thương hiệu chất lượng của Việt Nam vào, nếu đúng tiêu chuẩn, tiêu chí đạt như nước ngoài là chúng tôi mua”, ông Dương chia sẻ.
Để có được sự ủng hộ từ những người đi trước, đồng nghiệp và Nhà nước, tạo nên Trường Hải, Đại Quang Minh như cá chép hóa rồng, theo ông Dương: “Con rồng thì chưa ai nhìn thấy nhưng hãy là con cá chép óng ánh. Chúng ta hãy làm từng bước, dựa trên cái trước làm nền tảng phát triển. Nói về Đại Quang Minh, tôi vốn không có nghề xây dựng, lại làm tại thời điểm khó khăn nhất 2012, khi thị trường bất động sản xuống tới đáy”.
Đảm nhận một công trình khó nhất của TP. HCM với 4 tuyến đường chính của Khu đô thị Thủ Thiêm trên nền đất rất yếu, làm quảng trường lớn nhất HCM và Việt Nam, kè bán đảo Thủ Thiêm, xây khu đô thị Sala. Ông Dương giải thích: Tôi đã đưa ra chiến lược, đồng thời lên một phương án, nỗ lực thực hiện và học từng bước về công việc mới này.
Việc bán sản phẩm không qua môi giới và nếu khách hàng đã ký hợp đồng và thanh toán tiền nhưng không muốn mua nữa chúng tôi sẽ trả tiền lại và thanh toán lãi suất theo ngân hàng. Việc xây dựng hướng đến sự sắc sảo từng chi tiết như: chăm chút đến từng viên đá lát đường, từng cảnh quan, ánh sáng về đêm, cũng như công năng sử dụng của từng căn hộ nhà phố một cách chi tiết và sẵn sàng làm thêm nâng cấp dù đã giao nhà. Ông Dương muốn thiết lập một chuẩn mực mới trong kinh doanh bất động sản hiện nay.
Giải ba bài toán hóc búa, để trở thành “ông vua” ô tô Việt Nam
Được giới doanh nhân nể trọng bởi nghị lực và sự kiên định đến cùng, ông đã biến điều không thể thành có thể. Cách đây 15 năm, khi khởi động khu kinh tế mở Chu Lai, ba câu hỏi lớn được đặt ra với chính quyền Quảng Nam và ông Trần Bá Dương: Thứ nhất, đây không phải là trung tâm phân phối lớn của cả nước, vận chuyển đến các vùng miền không thuận lợi; Thứ hai, chi phí đầu tư cao; Thứ ba, là chi phí nguồn nhân lực, vì dân ở đây phần lớn là nông dân, để chuyển họ thành công nhân với tác phong công nghiệp là vô cùng khó. Lúc ấy ngay cả chính quyền cũng rất lúng túng, không thể trả lời được các câu hỏi ấy.
Nhưng khi đến tham quan chuỗi dây chuyền sản xuất và lắp ráp đồ sộ với 30 công ty, đơn vị nhà máy của THACO, mới hiểu hết sự kiên định, quyết tâm dám nghĩ dám làm của ông Dương, đã biến một vùng đất gió Lào cát trắng trở thành nơi dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, bằng chiến lược khác biệt, tham gia thẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định chất lượng của mình, THACO đã giữ vững vị trí đứng đầu ngành ô tô Việt Nam và mở rộng thị trường khu vực ASEAN.
Trởi lại với việc giải quyết 3 câu hỏi lớn của ngày đầu đặt chân đến Chu Lai, mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng và chiến lược phát triển lâu dài bền vững của ông Dương.
Để chủ động trong việc vận chuyển vật tư, thiết bị từ nước ngoài nhập về và vận chuyển thành phẩm đi các khu vực kịp thời, từ ngày đầu THACO đã thành lập Công ty vận tải biển Chu Lai – Trường Hải với 2 tàu Truong Hai Star I và II, đến nay đã phát triển thành dịch vụ Logistics với mô hình dịch vụ giao nhận vận chuyển kết hợp trọn gói giữa các phương thức vận tải chuyên biệt, bao gồm: Dịch vụ vận tải đường bộ – Dịch vụ vận tải đường biển – Dịch vụ Cảng biển – Dịch vụ Kho bãi – Dịch vụ vận chuyển đa phương thức với sứ mệnh trở thành Trung tâm Logistics phục vụ cho khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam và miền Trung.
Thứ hai là chiến lược tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các giải pháp tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, liên kết với các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu để chuyển giao công nghệ, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tiến tới định vị rõ ràng từng thương hiệu ô tô đến từ các nền công nghiệp ô tô tiêu biểu trên thế giới mà THACO đã và đang sản xuất, kinh doanh thành công như: Thương hiệu Kia thuộc Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc); Mazda thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản; Peugeot thương hiệu ô tô của nước Pháp với lịch sử trên 100 năm, và BMW là thương hiệu xe của Đức sang trọng, chất lượng cao và có giá trị thương hiệu bền vững.
Đặc biệt, nguồn nhân lực là điều mà ông Dương trăn trở nhất đã được ông giải quyết tốt nhất. Sau 15 năm, ông Dương không chỉ xây dựng hàng loạt hệ thống các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, xây dựng cảng biển, thành lập trường cao đẳng nghề với số lượng nhân sự hơn 8.500 người.
Ông còn có đóng góp to lớn khác khi biến hàng ngàn người nông dân thành những công nhân được đào tạo bài bản, có tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật, thái độ làm việc tích cực, hiệu quả… đấy là lực lượng lao động quý của địa phương được học hỏi, xây dựng, thay đổi nếp sống, nếp sinh hoạt theo hướng công nghiệp phát triển.
Bằng cách thành lập Trường cao đẳng để đào tạo nghề, miễn học phí cho công nhân, thường xuyên đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho các bậc thợ, ông đã đem tác phong công nghiệp hóa và tinh thần kỷ luật đến từng con người ở vùng quê này.
Nói về tương lai của THACO, ông chia sẻ: “Phải sử dụng nguồn lực tối ưu để đạt được mục tiêu cao nhất trong ngắn hạn và dài hạn. Đầu tiên, Trường Hải làm phân phối trước, đơn giản là mua và bán thôi, kế đến là mở thêm chuỗi showroom bán lẻ, lắp ráp xe, sản xuất phụ tùng, nghiên cứu phát triển sản phẩm tạo thành chuỗi giá trị khép kín”.
Thứ hai, phải đi từ nhiều phân khúc, chủng loại, từ xe tải, xe bus, xe con. Trong xe con làm các sản phẩm từ thấp đến cao, linh kiện phụ tùng Hàn Quốc, thời gian tới sẽ là Nhật, Châu Âu. Làm đầy đủ chủng loại, phân khúc thị trường, đáp ứng đủ mọi phân khúc khách hàng.
“Phải chấp nhận thay đổi của xu thế, cố gắng đón đầu, xem thách thức là cơ hội. Thành công với tôi là phát triển doanh nghiệp không giới hạn, điều chỉnh, tìm kiếm những gì mình chưa có, cái gì không cần thiết là phải bỏ, dù đó từng là thế mạnh của mình”.
Phương pháp quản trị đặc thù, phù hợp
Bên cạnh thành công trong chiến lược kinh doanh, ông Dương còn là người biết vận dụng các phương thức quản trị một cách đặc thù và phù hợp để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh với sự sáng tạo, logic, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Từ đó hình thành khả năng nắm bắt linh hoạt, khả năng ứng xử các vấn đề, kể cả khủng hoảng trong kinh doanh.
Đánh giá cao nguồn lực tri thức, tầm nhìn dài hạn và tầm nhìn khả thi, với tư duy logic, chi tiết, mang tính khái quát cao, cùng trái tim nhân hậu, rộng mở, chân thành đã giúp ông đi xa hơn trên con đường kinh doanh, tạo dựng một tập đoàn với sự phát triển vô giới hạn, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Ông đã đúc kết kinh nghiệm quản trị trong suốt 20 năm hình thành và phát triển của THACO – một trong những yếu tố chính tạo nên sự thành công phát triển trở thành doanh nghiệp tư nhân và ô tô lớn nhất Việt Nam từ một doanh nghiệp nhỏ chuyên mua bán và sửa chữa xe đã qua sử dụng của THACO là: Đã vận dụng quan điểm quản trị đặc thù “Kết hợp tạo lợi thế, chuyên biệt để hiệu quả” để thay đổi cấu trúc theo định kỳ phù hợp với quy mô của từng giai đoạn phát triển một cách linh hoạt và hiệu quả.
Bước vào năm 2018, cũng dựa trên quan điểm này, THACO quản trị chính thức theo mô hình Tập đoàn công nghiệp đa ngành được cấu trúc thành các khối/Tổng công ty trực thuộc hoạt động với triết lý, tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược dựa trên sự nhất quán chung và các chính sách quản trị dựa trên chính sách khung của THACO.
Đồng thời có những khác biệt phù hợp với đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh và địa bàn hoạt động của mình. Từng khối/tổng công ty thành viên có bộ máy với các ban quản trị nghiệp vụ riêng nhưng chịu sự quản lý và hỗ trợ điều hành thông qua các ban quản trị chung của THACO.
Yếu tố chính để THACO tiếp tục phát triển lớn mạnh không giới hạn theo mô hình tập đoàn đa ngành là phải huấn luyện, đào tạo và mạnh dạn tuyển dụng nhân sự mới để trước hết là hình thành đội ngũ lãnh đạo với tiêu chí “toàn diện” biết xây dựng và vận dụng một cách nhập tâm 5 trụ cột chính yếu là: Triết lý giá trị, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù, nhân sự phù hợp và xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thuận tiện vào bộ phận, đơn vị mà mình phụ trách.
Kế đến là đội ngũ nhân sự mà mỗi người sống và làm việc có cùng và tiến đến là thấm nhuần triết lý THACO, có ý chí, nghị lực mạnh mẽ, hăng say học tập, nắm bắt những kiến thức chuyên môn theo yêu cầu mới: Lao động hăng say và sáng tạo; rèn luyện bản thân để biết chia sẻ, giúp đỡ nhằm phát triển cùng với đồng nghiệp, bộ phận, đơn vị và nhất là biết phấn đấu trở thành lãnh đạo có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của THACO và trở thành người tốt, có ích cho đất nước.
THACO còn có hơn 100 điểm chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần và 15 điểm tại các nhà máy, công ty thuộc khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải. Hàng năm vào dịp tết, ông Trần Bá Dương luôn gởi thông điệp cho cán bộ công nhân viên nhằm xây dựng văn hóa THACO theo triết lý “Tạo dựng giá trị đóng góp công hiến cho đất nước và nâng cao giá trị phục vụ cho khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình”.
8 nguyên tắc cũng chính là cốt lõi của văn hóa THACO, là tài sản vô hình được tích lũy từ mỗi thành viên trong đại gia đình THACO trong cuộc sống và kinh doanh: Tận tâm, Trung thực, Trí tuệ, Tự tin, Tôn trọng, Trung tín, Tận tình, Thuận tiện.