Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận một năm sôi động với dấu ấn đến từ sự ra đời liên tiếp của các mạng xã hội "cây nhà lá vườn", phong trào đầu tư vào fintech cũng như nhiều sự kiện quan trọng khác.
Người Đồng Hành gửi tới bạn đọc 10 điểm nhấn đối với lĩnh vực khởi nghiệp trong năm 2019:
425 triệu USD, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng là số vốn được 18 quỹ đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư cho các startup Việt trong vòng 3 năm tới tại Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) tháng 6/2019.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện kết nối riêng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm với startup được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hơn 100 quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới như: Softbank Vision Fund; Sequoia, SK, Temasek, Insignia, Golden Gate Venture, Hanwha... Đây đều là các quỹ hàng đầu đến từ Thung lũng Silicon, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Với cương vị người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết phối hợp với các bộ, cơ quan, nhanh chóng giải quyết các khó khăn để khơi thông và tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
2019 là năm bùng nổ của các mạng xã hội thương hiệu Việt với 3 mạng xã hội “made in Vietnam” trình làng chỉ trong 4 tháng. Cùng với đó là những hứa hẹn về các tính năng độc đáo của sản phẩm và cơ hội kiếm tiền cho người dùng.
Hồi tháng 6, mạng xã hội du lịch Hahalolo ra mắt cùng tham vọng đạt 2 tỷ người dùng trong 5 năm, đồng thời dự kiến niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ). Hơn một tháng sau, mạng xã hội dành cho giới trẻ Gapo cũng xuất hiện tại Việt Nam với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021. Gapo nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn G-Group.
Đến tháng 9, Công ty Cổ phần VCCorp giới thiệu dự án mạng xã hội xoay quanh nội dung Lotus với số vốn huy động được là 700 tỷ đồng, dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ trong giai đoạn đầu để sẵn sàng lực lượng cho việc phát triển lâu dài.
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội với số người dùng sản phẩm trong nước tương đương với mạng xã hội nước ngoài để không nhà mạng nào nào thu thập được tất cả thông tin. Hiện theo số liệu công bố, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu người dùng, tăng trưởng khoảng 30%/năm, còn mạng xã hội nước ngoài có khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng này, Bộ trưởng cho rằng đến năm 2020 hoặc 2021 số lượng người dùng mạng xã hội trong nước và nước ngoài có thể tương đương.
Đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 13 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi đối với các startup. Cụ thể, các startup công nghệ sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước... Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả khoa học công nghệ. Doanh nghiệp không được ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với năm tài chính không đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Trong vòng chung kết cuộc thi Startup World Cup 2019 diễn ra tại San Francisco (Mỹ) ngày 17/5, startup Abivin của Việt Nam giành ngôi vô địch cùng phần thưởng 1 triệu USD. Cuộc thi có sự tham gia của những startup hàng đầu đại diện cho hơn 40 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Canada...
Trước đó, Abivin là quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest 2018 và trở thành đại diện của Việt Nam tham dự Startup World Cup 2019.
Ra đời năm 2015, Abivin là công ty giải quyết các vấn đề trong ngành logistics truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning). Startup này áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây. Các quy trình giao hàng gồm kiểm soát đơn hàng, tồn kho, quản lý xe... được số hóa hoàn toàn.
Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố hồi tháng 9 cho biết Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo báo cáo này, bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam có thể bắt nguồn từ năm 2004, khi IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Kể từ đó, kỷ nguyên khởi nghiệp đã phát triển 3 đợt: làn sóng đầu tiên (2004-2007); làn sóng thứ hai (2007-2010); và làn sóng thứ ba (2011 đến nay).
Trong làn sóng thứ ba, Austrade nhận xét Việt Nam đã tăng trưởng "phi thường" về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Các không gian làm việc chung (co-working space), vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ 2016.
Cùng với việc tăng lên về số lượng startup, theo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016-2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.
Chia sẻ tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 - Techfest Vietnam 2019, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2019. Trong 10 tháng, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ đầu tư lên đến hơn 750 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD đứng đầu trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty Fintech khu vực Đông Nam Á.
“Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các “kỳ lân” mới - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên một tỷ USD tại Việt Nam là rất thực tế”, Bộ trưởng nói.
Theo dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 5 công ty công nghệ trị giá hàng tỷ USD vào năm 2025 và 10 công ty vào năm 2030.
Theo thông tin từ Nikkei Asian Review, 9 tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup fintech (công nghệ tài chính) Việt Nam chiếm 36% tổng vốn của cả khu vực, cao hơn mức 0,4% của năm ngoái. Trong khi đó, thị phần của Singapore và Indonesia đều giảm so với năm 2018, lần lượt chiếm 51% và 12%. 10 công ty fintech được rót vốn nhiều nhất đều đặt tại Singapore, Việt Nam và Indonesia.
Hồi đầu năm, ví điện tử MoMo công bố được đầu tư từ quỹ Warburg Pincus. Số tiền cụ thể không được tiết lộ nhưng trước đó, Warburg Pincus chưa có khoản đầu tư nào dưới 100 triệu USD tại Việt Nam. Một fintech khác là VNPay được cho là huy động thành công 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của chính phủ Singapore. Tuy nhiên, đại diện công ty từ chối bình luận về giá trị của thương vụ.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM (VNUHCM-IBT), hiện có 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam. Trong đó, 70% công ty fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam 2019 của ESP Capital và Cento Ventures, vốn đầu tư từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn 246 triệu USD đổ vào các startup Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, chiếm 30% tổng giao dịch. Trong khi giai đoạn 2017-2018 phần lớn các giao dịch là từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore và Nhật Bản.
Một số startup Việt nhận vốn đầu tư từ Hàn Quốc trong năm qua như Lozi, Luxstay, Base... Đại diện nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc cho biết trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt vào các dịch vụ hoạt động trên nền tảng di động, công nghệ tài chính, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2019, lần đầu tiên Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam được tổ chức tại các nước có hệ sinh thái phát triển bao bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Singapore. Chuỗi sự kiện này nhằm quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài.
Từ 4-6/12 vừa qua, Techfest 2019 diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Sau 3 ngày diễn ra sự kiện Techfest, có 250 cuộc kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với nhà đầu tư, tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14 triệu USD.
Ngày 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trực thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Tháng 7 năm nay, Hà Nội cũng thông qua đề án hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu xây dựng thủ đô thành trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của cả nước, nơi tiếp nối các nguồn lực và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.