Thương vụ địa ốc của đại gia ngành nhựa
Ngày 20/1/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc cho phép CTCP Hóa chất Nhựa (Plaschem) chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Plaschem tại số 93 phố Đức Giang (phường Đức Giang, quận Long Biên) cho CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest).
Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 4,1ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.480,7 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Theo quy hoạch, chủ đầu tư sẽ được xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ thương mại và nhà ở (tại ô đất ký hiệu HH) có tổng diện tích khoảng 5.613,1m2, diện tích xây dựng khoảng 2.245m2, mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 61.634m2, tầng cao công trình 25 tầng và 3 tầng hầm, số căn hộ 494 căn, dân số dự kiến 1.827 người.
Công trình nhà ở thấp tầng và hạ tầng giao thông, cây xanh đơn vị ở (tại ô đất ký hiệu NO-CX) có tổng diện tích đất khoảng 16.122,1m2; trong đó, công trình nhà ở thấp tầng có tổng diện tích đất khoảng 9.511,5m2, diện tích xây dựng khoảng 6.665,2m2, mật độ xây dựng 70,1%, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 33.796,1m2, tầng cao công trình 5 tầng, số căn hộ 101 căn, dân số dự kiến 373 người.
Công trình văn phòng làm việc có tổng diện tích đất khoảng 4.900,7m2, diện tích xây dựng khoảng 2.450m2, mật độ xây dựng 50%, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 17.150m2, tầng cao công trình 7 tầng và 1 tầng hầm.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Plaschem được thành lập từ tháng 10/1999, đăng ký địa chỉ trụ sở tại tòa nhà cùng tên tại số 562, Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Tố Minh.
Năm 2001, Plaschem đầu tư dây chuyền sản xuất hạt nhựa đầu tiên theo công nghệ nhập khẩu từ hãng Starlinger của Cộng Hòa Áo. Theo giới thiệu, tổng công suất vận hành thực tế của 5 dây chuyền đến cuối năm 2015 đạt khoảng 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 48 – 50% tổng sản lượng cả nước. Doanh số hàng năm của công ty đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Tới đầu năm 2013, doanh nghiệp đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất bao AD Star Tú Phương (tại cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An) có tổng mức đầu tư 15 triệu USD, sản lượng 156 triệu bao/năm, chuyên cung cấp sản phẩm có các doanh nghiệp xi măng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1967 còn được Vietcombank cấp tín dụng để mở rộng nhà máy này.
Ngoài ra, Plaschem còn là đối tác chiến lược duy nhất tại Việt Nam được hãng máy Starlinger, dành ưu ái đặc biệt về công nghệ cũng như hỗ trợ kỹ thuật, cấp thiết bị phụ tùng.
|
Nhà máy sản xuất bao bì của Plaschem tại Long An (Ảnh: Internet)
|
Mối quan tâm mới của đại gia ngành nhựa
Sau một thời gian dài tích lũy trong ngành nhựa, vị doanh nhân Bùi Tố Minh lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng với nhiều dự án. Theo dữ liệu của VietTimes, ông Minh hiện là người đại diện của nhiều doanh nghiệp.
Trong số đó, có thể kể tới CTCP Pusamcap Sapa là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng khách sạn Silk Path Sa Pa; CTCP Á Châu Cần Thơ với trụ sở chính đặt tại Khách sạn Á Châu Cần Thơ (Asian Hotel) tọa lạc tại số 91 Châu Văn Liêm, Tp. Cần Thơ.
Bên cạnh đó, ông Bùi Tố Minh và người con gái Bùi Tú Phương (SN 1992) lần lượt đảm nhiệm các cương vị Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc tại CTCP Du lịch Xanh - Huế Vneco.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tổng Cty CP Xây dựng điện Việt Nam từng sở hữu trực tiếp tới 78,97% vốn điều lệ của Du lịch Xanh - Huế Vneco, song đã hoàn toàn triệt thoái vốn vào đầu tháng 8/2018. Du lịch Xanh - Huế Vneco có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch với Khách sạn Xanh (tiêu chuẩn 4 sao, 199 phòng), Khu Biệt thự Cẩm Tú tại vường quốc gia Bạch Mã.
Ngoài ra, ông Minh còn là người đại diện của Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Nghỉ dưỡng Pusamcap Sapa, CTCP Golf Silk Path, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Duy Tiên, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Plaschem.
Các doanh nghiệp kể trên là cơ sở giúp hình thành nên thương hiệu “Silk Path” trong lĩnh vực khách sạn, du lịch bổ sung thêm vào hệ sinh thái của vị doanh nhân kín tiếng Bùi Tố Minh.
Quay trở lại với thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản tại 93 Đức Giang (Hà Nội), đối tác nhận chuyển nhượng từ Plaschem là Cen Invest được thành lập từ năm 2012, có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
Cen Invest là doanh nghiệp của vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cengroup, HOSE: CRE), là ông Nguyễn Trung Vũ (sinh năm 1971) – bà Trần Thị Thanh Bình (sinh năm 1978).
Điều này có thể thấy ở cơ cấu cổ đông Cen Invest. Cụ thể, tính đến ngày 16/8/2018, vốn điều lệ Cen Invest đạt 150 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Bà Trần Thị Thanh Bình (78,33%), CenGroup (10,670%) và ông Phạm Thanh Hưng (3%) – hay còn gọi là “Shark” Hưng – Chủ tịch HĐQT hiện tại của Cen Invest. Đến tháng 6/2019, doanh nghiệp thực hiện tăng vốn lên 500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Cen Invest sở hữu một số dự án bất động sản như: Dự án Khu dân cư mới Diêm Phố (xã Hưng Lộc, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) Dự án Khu nhà liền kề vườn Lovera Park (huyện Bình Chánh, TP.HCM), dự án K-Park (Hà Đông, Hà Nội)./.